Theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký ban hành, trong giai đoạn 2017-2020, SCIC được phép chủ động bán vốn tại CTCP Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam - một doanh nghiệp được lập ra nhằm triển khai xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới tại Việt Nam với độ cao lên tới 636m.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa ký Quyết định 1001/QĐ-TTg phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đến năm 2020.
Quyết định này nêu rõ mục tiêu tái cơ cấu và đẩy nhanh tiến độ bán vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ nhằm đưa SCIC thực sự trở thành một công cụ, kênh truyền vốn Nhà nước. Đồng thời, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để tập trung vào những khâu, công đoạn then chốt của nền kinh tế; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn tại DN.
Cụ thể, đến năm 2020, SCIC sẽ thực hiện cổ phần hóa và bán vốn tại 5 doanh nghiệp gồm: Công ty TNHH MTV Khai thác và Chế biến Đá An Giang; Công ty TNHH Hai thành viên Đầu tư Thương mại Tràng Tiền; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển HPI; Công ty TNHH MTV In và phát hành biểu mẫu thống kê và Công ty TNHH MTV In thống kê TPHCM.
Hiện tại, ngoại trừ Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền tỷ lệ vốn Nhà nước là 90% thì 4 DN còn lại, Nhà nước đều đang sở hữu 100% vốn. Theo lộ trình, Công ty TNHH 2TV Đầu tư Thương mại Tràng Tiền sẽ thực hiện cổ phần hóa trong năm 2018 và hoàn thành xác định giá trị DN trong tháng 5/2018. Sau cổ phần hóa, Nhà nước nắm 51% vốn tại DN này.
Tổng công ty này sẽ tiếp tục được đầu tư nắm giữ phần vốn tại hai doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC (SIC); Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom). Hiện tại, SCIC đang sở hữu 100% tại SIC và 50,16% vốn tại FPT Telecom.
Quyết định cũng kèm theo danh sách 132 DN bán vốn Nhà nước giai đoạn 2017-2020. Bên cạnh đó, có 3 DN được xử lý theo phương thức đặc thù: CTCP Nuôi và dịch vụ thủy đặc sản Thừa Thiên Huế (đã ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, làm thủ tục phá sản năm 2005); CTCP dịch vụ thương mại công nghiệp; CTCP XNK Vĩnh Lợi (thua lỗ 4 năm liên tiếp từ năm 2008 và tuyên bố phá sản năm 2012).
Đáng chú ý, theo Quyết định 1001, có 4 DN mà SCIC được phép chủ động bán vốn trong giai đoạn 2017 - 2020 là: CTCP Đầu tư Việt Nam - Oman; CTCP Tư vấn đầu tư và đầu tư Việt Nam; CTCP Đầu tư Tháp truyền hình Việt Nam; Công ty cổ phần Đầu tư Bảo Việt SCIC.
Liên quan đến CTCP Tháp truyền hình Việt Nam, được biết, DN này được cấp giấy chứng nhận đăng ký vào cuối năm 2015 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng, song theo báo cáo của VTV, đến nay 3 đơn vị góp vốn (gồm SCIC, VTV và Tập đoàn BRG của nữ đại gia Nguyễn Thị Nga) mới góp được 150 tỷ đồng.
Dự án Tháp truyền hình Việt Nam được Thủ tướng đồng ý về chủ trương nghiên cứu, hợp tác đầu tư từ đầu năm 2015. Tháp này có độ cao dự kiến là 636m, cao hơn tháp cao nhất châu Á hiện nay là Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m) và tháp truyền hình Quảng Châu - Trung Quốc (600m) nếu được xây dựng thì sẽ trở thành tháp truyền hình cao nhất thế giới.
Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Văn phòng Chính phủ báo cáo về dự án Tháp truyền hình Việt Nam và phương án tái cơ cấu vốn đầu tư tại Công ty cổ phần Tháp truyền hình Việt Nam. Trong đó, ngoài việc SCIC chủ trương đưa công ty này vào danh mục thoái vốn thì VTV cũng đã xin rút toàn bộ hoặc phần lớn vốn tại công ty này để tập trung ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho sản xuất chương trình và phát triển kinh doanh trong lĩnh vực truyền hình.
Theo Bích Diệp (Dân Trí)