Gần đây, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá đất. Các phiên đấu giá đất diễn ra khá sôi động, với kết quả đấu giá trúng thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm đưa ra.
Mục đích của việc đấu giá đất là tìm ra nhà đầu tư nghiêm túc nhất trong những nhà đầu tư nghiêm túc. Tuy nhiên, tại một số buổi đấu giá, giá thường bị đẩy lên cao trong các trường hợp việc đấu giá bị giới đầu cơ thao túng. Khi đó, đất được mua chỉ để được bán lại.
Ghi nhận trên Dân Việt, trong tháng 11 vừa qua, Công ty đấu giá hợp danh Lạc Việt đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng loạt đất xen kẹt tại xã Đại Áng (huyện Thanh Trì, Hà Nội). Trong đó, giá khởi điểm 17,586 triệu đồng/m2 nhưng giá trúng tại các lô đất lên tới 30 đến 66 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, sau khi kết thúc đấu giá, chứng nhận trúng đấu giá được rao bán trao tay với mức chênh từ 1,2-2,5 triệu/m2, tương đương khoảng 50 đến hơn 100 triệu đồng/ lô.
Theo môi giới đang bán đất đấu giá xen kẹt xã Đại Áng vừa trúng cho biết, nếu chốt mua thì khách hàng phải trả tiền chênh và tiền đặt cọc và đi nộp các chi phí theo quy định. Bên bán sẽ ký ủy quyền, trong đó có quyền định đoạt với lô đất trên. Bên bán không còn trách nhiệm gì ở đó.
Cũng trong tháng 11, phiên đấu giá 98 lô đất tại khu dân cư Trung tâm xã Tân Hưng (Lạng Giang, Bắc Giang) được diễn ra sôi động khi thu hút được 495 khách hàng với 1.788 hồ sơ.
Được biết, các lô đất đấu giá có diện tích dao động từ 126 - 180m2/lô; giá khởi điểm từ 1,2 - 2,85 tỷ đồng/lô. Nhưng, có 2 lô đất trúng giá cao đều là lô góc, diện tích gần 180m2/lô, giá trúng chênh lệch so với giá khởi điểm từ 3,35 - 3,4 tỷ đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Đức – một môi giới nhà đất tại Bắc Giang chia sẻ, thực tế những người tham gia đấu giá đất đa phần đều không có nhu cầu thực. Đa số những người trúng đấu giá sẽ tìm khách bán ngay tại khu đất kiếm lời.
"Sau khi trúng, nhà đầu tư sẽ bán chênh ngay tại khu đất từ 50 - 200 triệu đồng/lô. Để dễ bán thì họ sẽ thuê người liên tục hỏi mua tại khu đất, sang tay liên tục nhằm tạo hiệu ứng, dễ thanh khoản.
Còn những ai không bán được ngay thì có thể họ sẽ sẵn sàng bỏ cọc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới những người có nhu cầu thực thì không thể sở hữu vì giá cao", anh Đức nói.
Thời gian qua, tại Bắc Giang liên tiếp các phiên đấu giá đất được tổ chức, nhà đầu tư từ các nơi đổ về. Các phiên “chợ đất” được diễn ra sôi động, chênh lệch cả trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm, nhưng sau đó nhiều nhà đầu tư lại bỏ cọc, ghi nhận trên Nhịp Sống Kinh Tế.
Theo báo cáo của Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng, toàn huyện có 477 lô đất thuộc thị trấn Nham Biền, các xã: Nội Hoàng, Xuân Phú, Tiến Dũng, Đồng Phúc và Quỳnh Sơn từ đầu năm tới nay được đấu giá thành công. Tổng giá trị theo giá trúng đấu giá là gần 954 tỷ đồng, tăng so với giá khởi điểm hơn 363 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm này đã có 77 lô đất khách hàng bỏ cọc với tổng số tiền trả giá gần 147 tỷ đồng. Trong số này, khu dân cư thôn Xuân Đông, xã Xuân Phú có 38/66 lô; khu dân cư thôn Huyện, xã Tiến Dũng có 21/42 lô; khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có 18/88 lô bỏ cọc.
Đơn vị này dự báo, số lượng người trúng bỏ cọc sẽ tiếp tục tăng trong tháng 12/2021, bởi 4 trong số 10 cuộc đấu giá (diễn ra ở nửa cuối tháng 10) chưa hết hạn nộp tiền.
Lãnh đạo Trung tâm Phát triển Quỹ đất và Cụm công nghiệp huyện Yên Dũng cho biết, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc khách hàng trả giá quá cao. Đơn cử, 88 lô đất của khu đất ở và kinh doanh dịch vụ xã Nội Hoàng có giá trúng đấu giá hơn 318 tỷ đồng, tăng tới hơn 138 tỷ đồng (khoảng 77% so với khởi điểm).
“Có rất nhiều lô đất tăng gần gấp đôi mức giá huyện đưa ra. Việc trả giá quá cao khiến cho người trúng gặp khó khăn trong việc thu xếp tiền nộp ngân sách. Điều này cũng không không phản ánh đúng giá trị thực của các lô đất trên thị trường”, vị lãnh đạo cho biết.
Theo anh Trần Bắc - môi giới bất động sản tại Bắc Giang cho biết, thời gian gần đây, mật độ các phiên đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Bắc Giang tổ chức khá dày. Đây cũng là nguyên nhân làm cho hàng loạt nhà đầu tư không có đủ năng lực để trả tiền cho nhiều lô đất đã trúng đấu giá.
Anh Bắc nhận định: “Không loại trừ khả năng việc bỏ giá cao so với giá khởi điểm cũng chính là chiêu trò đẩy giá của giới đầu cơ nhằm tạo sóng. Sau đó, giới đầu cơ đẩy giá bán các lô đất ở những khu khác lên cao, chuyển nhượng kiếm lời”.
PN (Nguoiduatin.vn)