Khởi nghiệp từ lĩnh vực dược sau đó “lấn sân” sang lĩnh vực bất động sản, bà Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT Vimedimex đã sở hữu nhiều khu đất vàng tại các quận, huyện của Hà Nội.
Con đường doanh nhân của bà Loan bắt đầu từ lĩnh vực dược phẩm (Công ty cổ phần Y dược Vimedimex được thành lập từ năm 1984) bằng cách cổ phần hóa năm 2006. Tháng 4/2009, bà Loan là cổ đông sáng lập của Tập đoàn Vimedimex Group với hệ sinh thái chủ lực là tài chính, y dược và bất động sản.
Có mặt tại khu đất đấu giá rộng 5 ha tại xã Cổ Dương (H.Đông Anh, Hà Nội) mới thấy hết quy mô, đây chính là dự án khiến bà Nguyễn Thị Loan vướng vòng lao lý.
Trên thị trường bất động sản, dự án có tên thương mại khá mỹ miều là “Helianthus Center Red River", hiện đã hoàn thiện xong hạ tầng, đường nội bộ rộng thênh thang, có hệ thống điện chiếu sáng.
Ngay sau khi trúng đấu giá, công ty của bà Loan đã nhanh chóng thi công mặt bằng, phân lô bán nền, kịp bán sản phẩm với mức giá bán ra cao gấp nhiều lần so với mức trúng đấu giá. Cùng với thông tin các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh lên thành phố trong giai đoạn 2021-2025, khu đất này càng được đẩy cao về giá trị so với giá đấu trúng.
Thành lập công ty, tự tạo "quân xanh, quân đỏ"
Theo tài liệu điều tra, khu đất gần 5ha ở xã Cổ Dương ban đầu được Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội xác định giá trị bán đấu giá khoảng 500 tỷ đồng.
Để hoàn thiện chứng thư thẩm định giá, Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan và đồng phạm đã lập khống 12 phiếu khảo sát để đưa vào hồ sơ.
Móc ngoặc với bà Loan, công ty thẩm định giá đã hạ giá thẩm định đất xuống còn hơn 17 triệu đồng/m2, giá thẩm định còn khoảng 300 tỷ đồng, thấp hơn 200 tỷ đồng so với thực tế.
Sau khi Hội đồng thẩm định giá đất duyệt mức giá sàn là hơn 18 triệu đồng/m2 để tổ chức đấu giá, bà Nguyễn Thị Loan tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp tại 3 công ty do mình thành lập gồm: Công ty cổ phần bất động sản Thanh Trì, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Mỹ Đình, Công ty cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm nộp hồ sơ tham gia đấu giá khu đất trên.
Với chiêu bài "quân xanh, quân đỏ" này, một công ty do bà Loan nắm quyền chi phối là Công ty cổ phần phát triển nhà ở Bắc Từ Liêm đã trúng đấu giá khu đất với mức hơn 20 triệu đồng/m2.
Chỉ sau đúng 1 tháng ngay khi được bàn giao đất, bà Nguyễn Thị Loan phân lô, chia nền bán với giá lên tới 110 triệu đồng/m2, chênh lệch gấp hơn 5 lần.
Thao túng đấu giá đất bằng “giang hồ làng”
Cùng tính chất thao túng đấu giá đất để trúng các lô, sau đó bán “sang tay” hưởng chênh lệch, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường – Nguyễn Thị Dương (hai bị can đã được TAND tỉnh Thái Bình đưa ra xét xử) lại sử dụng cách thức khác: dùng xã hội đen, “giang hồ làng” thị uy những người tham gia các cuộc đấu giá.
Vợ chồng Đường – Dương cũng thành lập Công ty bất động sản mang tên mình, trực tiếp điều hành. Hoạt động chính của công ty này là “để ý” các cuộc đấu giá đất của các xã, huyện trong địa bàn tỉnh để mua hồ sơ, tham gia đấu giá.
Nắm bắt tâm lý người dân quê ngại va chạm, không có kinh nghiệm “thi đấu” trong các cuộc đấu giá đất “tay bo”, Đường – Dương thường mua áp đảo hồ sơ, tham gia đấu giá hầu hết các lô. Do các xã, phường ở Thái Bình tổ chức đấu giá từng lô đơn lẻ, lô đầu tiên, vợ chồng Đường thường bỏ giá thật cao (gấp 2 – 3 lần giá khởi điểm) đánh vào tâm lý người dân quê.
Ngoài ra, đi cùng cặp vợ chồng này là nhóm đàn em xăm trổ bặm trợn để thị uy. Sau khi đấu giá thành công, Nguyễn Thị Dương, vợ của Nguyễn Xuân Đường sẽ chuyển nhượng đất cho những người có nhu cầu, thu lời từ 50 triệu đồng chênh lệch/lô.
Trong những trường hợp cần thiết, đám đàn em này sẵn sàng dằn mặt, uy hiếp người tham gia đấu giá để buộc họ phải rút, hoặc bị áp lực trong lúc bỏ giá thi đấu.
Đỉnh điểm của vụ việc khiến vợ chồng Đường – Dương vướng vòng lao lý là vụ việc đe dọa, buộc một người trúng đấu giá phải bỏ nhận kết quả trúng giá.
Nạn nhân điển hình của vợ chồng Nguyễn Thị Dương là anh Đ.- người tham gia đấu giá một khu đất tại TP.Thái Bình. Sau khi biết anh Đ. trúng đấu giá, Nguyễn Thị Dương gọi chồng và nhóm đàn em đi tìm, đe dọa và đánh, buộc anh Đạt phải nhường lại lô đất đã trúng đấu giá để những người trong hội đồng đấu giá (sau đó đã bị bắt cùng vợ chồng Nguyễn Xuân Đường) thay đổi kết quả, thay tên người trúng đấu giá…
Một cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Hưng cho biết, vợ chồng Đường – Dương tham gia đấu giá tại Đông Hưng từ nhiều năm nay và cũng hay trúng đấu giá.
Tháng 1/2019, huyện Đông Hưng tổ chức đấu giá 24 lô đất thuộc xã Lô Giang, kết quả Nguyễn Xuân Đường mua được tới 20 lô. Năm 2018, đấu giá khu đất xã Đông Phương với giá khởi điểm 1,5 triệu đồng, vợ Đường là Nguyễn Thị Dương trúng 3 lô với giá bỏ thầu chỉ cao hơn khởi điểm 10 nghìn đồng.
Trong một cuộc đấu giá đất khác tại xã Đông Các (huyện Đông Hưng), vợ chồng Đường dẫn theo hàng chục đàn em, thậm chí hành hung một người tham gia đấu giá (cũng là người “có máu mặt”) ngay tại cuộc đấu giá khiến người này bức xúc nhưng không tố cáo.
Sau sự việc này, các cuộc đấu giá khác có vợ chồng Đường – Dương tham gia, Công an huyện Đông Hưng phải cử lực lượng xuống bảo vệ, chỉ cho những người có tên trong hồ sơ đấu giá đất được lên phòng đấu giá, còn lại nhóm đàn em của Đường – Dương phải đứng bên ngoài.
Không chỉ đe dọa, dìm giá, thị uy người tham gia đấu giá, những lô đất Đường – Dương trúng đấu giá nhưng không bán được vì không có khách mua, cặp vợ chồng này bỏ cọc (tiền phí tối thiểu nộp khi trúng đấu giá), không nộp tiền đấu giá những lô đất đấu trúng. Việc này khiến địa phương không thu được tiền theo kế hoạch.
Ngoài huyện Đông Hưng, vợ chồng Đường – Dương còn tham gia đấu giá đất tại các huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Quỳnh Phụ, Hưng Hà, TP.Thái Bình với cách thức tương tự.
Tháng 4/2020, vợ chồng Nguyễn Xuân Đường – Nguyễn Thị Dương đã bị CQĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt tạm giam.
Ngày 18/9/2020, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ) 18 tháng tù tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại buổi đấu giá đất ngày 20/12/2019 tại Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản Thái Bình.
Theo Kiên Trung (VietNamNet)