Theo HOSE, tập đoàn đến từ Nhật Bản là ENEOS Corporation vừa hoàn thành việc mua khớp lệnh 25 triệu cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HOSE) như đăng ký trước đó, tăng tỷ lệ sở hữu lên 63 triệu cổ phiếu tương đương 4,87% vốn.
Phương thức giao dịch là khớp lệnh trên sàn. Thời điểm ENEOS Corporation mua vào cũng là lúc Petrolimex đưa 25 triệu cổ phiếu quỹ ra bán.
Ước tính ENEOS phải chi ra khoảng gần 1.400 tỷ đồng cho giao dịch nói trên. Trước đó, trong tháng 3/2021, PLX đã bán 25 triệu cổ phiếu cho ENEOS Corporation với giá bán được xác định là 57.057 đồng/cổ phiếu và thu về hơn 1.400 tỷ đồng.
Cùng với hơn 103 triệu cổ phiếu PLX mà Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Enegry Việt Nam - công ty con của ENEOS đang nắm giữ tại Petrolimex, nhóm cổ đông Nhật Bản này đang sở hữu tổng cộng 12,87% vốn của PLX.
Hiện tại, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước vẫn nắm quyền chi phối với 75,87% vốn tại Petrolimex.
Cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) diễn biến không tích cực trong 3 năm qua do thị trường dầu khí diễn biến không thuận.
Trong quý I, Petrolimex báo lợi nhuận tụt giảm hơn 4 lần xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ đồng.
Các cổ phiếu ngành dầu khí liên tục giảm từ cuối tháng 11/2019 cho tới cuối tháng 3/2020 trong bối cảnh giá dầu thô liên tục giảm và đạt mức thấp lịch sử, dưới 0 USD/thùng vào 20-21/4/2020.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu này đã hồi phục trong hơn 1 năm qua khi giá dầu thô trên thị trường thế giới quay đầu tăng mạnh trở lại. Giá dầu WTI hiện đã lên ngưỡng 70 USD/thùng.
Giá dầu tăng mạnh trở lại trong bối cảnh trên thế giới, nhiều quốc gia bắt đầu mở cửa trở lại các nền kinh tế khi mà dịch Covid-19 đã được kiểm soát nhờ tốc độ tiêm vaccine cao. Các nước khu vực châu Âu đã hoạt động bình thường trở lại, người dân có thể xem các trận bóng đá. Tại Mỹ, tình hình cũng khả quan. Nền kinh tế số 1 thế giới khởi sắc.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xăng dầu vẫn còn nhiều khó khăn nhưng về dài hạn đây vẫn là nhóm doanh nghiệp có nhiều triển vọng tươi sáng, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành như Petrolimex. Các doanh nghiệp này thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là Nhật.
Trong thập kỷ qua, người Nhật đã liên tục rót tiền vào các doanh nghiệp Việt dưới hình thức đầu tư chiến lược và sở hữu hàng loạt thương hiệu Việt hàng đầu thuộc nhiều lĩnh vực từ dược phẩm, hàng tiêu dùng... như Wonderfarm, Dược Hậu Giang, X-Men…
Mới đây, SMBC đầu tư 1,4 tỷ USD vào FE Credit sau khi đã liên tục rót tiền vào lĩnh vực tài chính ngân hàng với các doanh nghiệp hàng đầu như: Vietcombank, Vietinbank, TPBank, Bảo Việt, OCB...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng nhẹ lên đỉnh cao kỷ lục mới: 1.380 điểm.
Nhóm cổ phiếu dầu khí bứt phá, góp phần giúp nâng đỡ thị trường chung. Trong đó, các cổ phiếu dầu khí như PVS, PVD, PLX, GAS... đều tăng giá mạnh. PVS tăng 3,3%, PLX tăng 3,2%, PVD tăng 2,4%, GAS tăng 1,9%.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tích cực trong các dự báo.
Theo MBS, thị trường đã phục hồi thành công sau nhịp điều chỉnh ở những phiên đầu tháng 6, sự trở lại của các nhóm cổ phiếu mang tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép,... chính là động lực giúp VN-Index có đỉnh cao mới. Về kỹ thuật, thị trường có thể bước vào sóng tăng mới sau khi vượt thành công đỉnh cũ để hướng đến mục tiêu ngắn hạn ở 1.420-1.450 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch chiều ngày 17/6, chỉ số VN-Index tăng 3,4 điểm lên 1.359,92 điểm; HNX-Index giảm 3,42 điểm lên 317,07 điểm. Upcom-Index tăng 0,73 điểm lên 89,55 điểm. Thanh khoản đạt 27,1 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)