Mỹ quay lại CPTPP: Sám hối hay chiêu trò chính trị?

17/04/2018 11:04:08

Khi quyết định quay trở lại Hiệp định CPTPP (tiền thân là Hiệp định TPP), liệu Tổng thống Donald Trump có thực sự cần đến mậu dịch tự do hay chỉ là một chiêu trò nhằm giảm áp lực từ đòn áp thuế trả đũa của Trung Quốc?

Mỹ quay lại CPTPP: Sám hối hay chiêu trò chính trị?
Khoảnh khắc Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút khỏi TPP. Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Mỹ Donald Trump lại gây bất ngờ với tuyên bố xem xét khả năng tiến hành đàm phán về thoả thuận mậu dịch tự do mới với các nước đã từng ký kết với Mỹ thoả thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cho biết đã giao cho đặc phái viên của Mỹ về thương mại Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Lary Kudlow xem xét có thể đạt được thoả thuận "tốt hơn cho nước Mỹ" hay không. Trên danh nghĩa có thể hiểu đó là ý định của ông Trump trở lại chuyện nước Mỹ tham gia khu vực mậu dịch tự do bao gồm nhiều nước ở khu vực Thái Bình Dương. Trong thực chất, đấy không phải là sự ngỏ ý của ông Trump "trở lại TPP" vì TPP hiện không còn tồn tại và 11 nước cùng Mỹ ký kết TPP năm 2015 đã đàm phán lại và thay thế nó bằng thoả thuận về Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ông Trump không nói cụ thể hơn nhưng có thể hiểu được từ đó là Mỹ có thể tham gia CPTPP hiện tại của 11 nước hoặc có thể cùng 11 nước đàm phán thoả thuận mới thay thế cho CPTPP hay tồn tại độc lập với CPTPP. Vì kết cục cuối cùng vẫn còn bất định và mù mờ như thế nên ở đây có hai điều đáng được chú ý. Thứ nhất là ông Trump đã phải nhận thấy TPP hay CPTPP có lợi và giá trị đối với Mỹ nên mới trở lại với thoả thuận đa phương về mậu dịch tự do. Thứ hai, sùng bái chủ nghĩa bảo hộ đến thế mà ông Trump giờ cũng tính đến mậu dịch tự do.

Cho nên trong chuyện này, câu hỏi mấu chốt là ông Trump đã có được nhận thức mới về tự do hoá mậu dịch hay chỉ sử dụng việc ngỏ ý đưa nước Mỹ trở lại thoả thuận đa phương về mậu dịch tự do làm chiêu bài chính trị.

Mỹ quay lại CPTPP: Sám hối hay chiêu trò chính trị? - 1
Đòn trả đũa thuế của Trung Quốc đã bắt đầu khiến ông Trump cảm thấy "rát mặt"?. Ảnh: Daily Post.

Vừa rồi, ông Trump áp dụng mức thuế quan cao đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của nhiều đối tác kinh tế, thương mại bên ngoài nhằm bảo hộ cho những ngành công nghiệp liên quan ở nước Mỹ, đặc biệt đối với Trung Quốc. Nhiều đối tác này đã trả đũa Mỹ, đặc biệt là Trung Quốc. Vì thế, chuyện xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc hiện không chỉ leo thang mà còn đã trở thành biểu trưng cho cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, cho cuộc đấu giữa chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và thương mại tự do ở thời đại toàn cầu hoá. Trung Quốc không chỉ trả đũa Mỹ ngang bằng mức độ mà còn chủ ý - như EU cũng dự định - nhằm vào những mặt hàng xuất khẩu không hẳn trọng yếu đối với nước Mỹ, nhưng lại rất trọng yếu đối với sự ủng hộ chính trị của dân chúng Mỹ đối với ông Trump và Đảng Cộng hoà. Cụ thể, Trung Quốc nhằm vào những mặt hàng xuất khẩu xuất xứ ở những vùng miền ở Mỹ mà đa số cử tri đã ủng hộ ông Trump và luôn ủng hộ Đảng Cộng hoà. Dân ở đó bị thiệt hại trực tiếp sẽ gây áp lực trở lại đối với ông Trump và Đảng Cộng hoà vì không thể làm gì trực tiếp được Trung Quốc. Trung Quốc và EU biến xung khắc giữa họ với ông Trump thành xung đột giữa ông Trump và Đảng Cộng hoà với chính những người ủng hộ ở Mỹ. Mấy tháng nữa ở nước này sẽ có cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ và nếu không cẩn thận thì ông Trump và Đảng Cộng hoà sẽ không bảo vệ được quyền kiểm soát cả lưỡng viện lập pháp như hiện tại.

Cho nên có thể ông Trump biểu lộ ý định đưa nước Mỹ trở lại thoả thuận đa phương về mậu dịch tự do để làm nhụt ý chí đối phó của Trung Quốc và để Trung Quốc không tập hợp được các nước trong khu vực Thái Bình Dương về cùng phe đối phó chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của mình. Nhưng cũng rất có thể ông Trump đã nhận ra rằng dẫu nhân định có thắng thiên được vài lần thì cũng không thể bơi ngược dòng mãi được và muốn duy trì tranh chấp thương mại với Trung Quốc càng lâu dài thì càng cần  thúc đẩy thương mại với các đối tác khác để bù đắp thiệt hại mà nếu muốn vậy thì chỉ có hai chuyện có thể làm ngay được là tăng tốc đàm phán lại về NAFTA và trở lại với TPP hay CPTPP hoặc thoả thuận mới.

Vì ông Trump hay nhanh chóng thay đổi quan điểm chính sách và vì hiện chưa thể trả lời được câu hỏi ông Trump đã có nhận thức mới hay đó chỉ là chiêu thức mới nên 11 nước tham gia CPTPP phải thận trọng để không bị lợi dụng, đồng thời phải vừa kiên định tiếp bước tiến trình CPTPP vừa thiện chí và cởi mở với ngỏ ý mới nói trên của ông Trump.

Theo Lư Phổ Ân (Dân Việt)

Nổi bật