Seven.AM lao đao
Ngày 4/11/2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội QLTT số 17) cho biết đã “phát hiện một cơ sở may mặc tại quận Long Biên nhập hàng nước ngoài sau đó thay bằng nhãn các thương hiệu Việt”.
Cụ thể, đã có có 66 bao quần áo, 2.130 sản phẩm quần áo, 16 bao quần áo ghi nhãn nước ngoài, 6 bao túi xách và 4 bao quần áo đã cắt nhãn gốc và được thay thế bởi nhãn mác của NEM, Seven.AM và Giovanni.
Ngay sau khi thông tin này được công bố, mọi sự chú ý của dư luận đổ dồn vào duy nhất Seven.AM khiến hãng thời trang này lao đao.
Ngày 11/11, Đội Quản lý thị trường số 14 đã kiểm tra 5 điểm kinh doanh thương hiệu thời trang Seven.Am trên địa bàn Hà Nội. Thế nhưng, toàn bộ hoá đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và Bản công bố hợp quy của sản phẩm, chủ cửa hàng xin "sẽ xuất trình sau".
Chỉ một ngày sau đó, chuỗi cửa hàng Seven.AM đóng cửa hàng loạt. Vụ việc càng trở nên xôn xao khi Seven.AM không có bất kỳ thông báo nào tại cửa hàng, trên website hay fanpage... về việc đóng cửa đột ngột này. Lãnh đạo Seven.AM chỉ hứa sẽ cung cấp thông tin sau.
Ngày 30/11, Tổng cục Quản lý thị trường công bố kết quả xác minh sau thông tin chuỗi cửa hàng thời trang Seven.AM nhập thêm hàng hóa Trung Quốc nhưng thay nhãn mác thành "made in Vietnam". Điều đáng nói, đơn vị này khẳng định chưa phát hiện dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn như phản ánh trước đó.
Tuy nhiên, Tổng cục Quản lý thị trường phát hiện các vi phạm của Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ, những đơn vị liên quan đến thương hiệu Seven.AM. Theo đó, 2 công ty này bị phạt 170 triệu đồng.
Việc xử phạt này được dư luận đánh giá là quá nhẹ. Thậm chí, có người còn đặt ra câu hỏi liệu Seven.AM có được “bảo kê” trong vụ việc này hay không?
NEM bình yên vô sự
Dù mức xử phạt của Seven.AM được dư luận đánh giá là “nhẹ” nhưng hậu quả mà hãng thời trang này phải gánh thì không hề nhẹ. Cho đến này, không có thước đó nào xác định được chính xách thương hiệu Seven.AM bị ảnh hưởng như thế nào nhưng rõ ràng vụ việc này đã khiến khách hàng dò xét hơn khi mua hàng.
Bằng chứng là ngày 1/12, Seven.AM mở cửa trở lại sau khoảng nửa tháng đóng cửa mà không nhận được sự quan tâm của khách hàng. Lượng khách đến xem hàng khá đìu hiu. Đây là điều rất đáng lo ngại vì đây là thời điểm cuối năm, khoảng thời gian nhu cầu mua sắm tăng cao. Ngoài ra, phải đóng cửa trong thời điểm Black Friday cũng đã khiến Seven.AM bỏ lỡ một dịp bán hàng rất hiệu quả.
Không rơi vào “tâm bão” như Seven.AM nhưng IFU cũng không gặp không ít khó khăn. Khoảng nửa tháng sau khi vụ việc nổ ra, IFU “theo chân” Seven.AM đóng cửa hàng loạt chuỗi cửa hàng ở Hà Nội. Không một lý do nào được đưa ra. Không chỉ có vậy, fanpage của IFU cũng bất ngờ bị khóa không lý do.
Trong khi đó, NEM vẫn bình yên vô sự. Sau khi vụ việc xả ra, đại diện NEM Fashion khẳng định hãng không liên quan đến cơ sở may mặc bị phát hiện nhập quần áo ngoại, sau đó cắt mác thay bằng nhãn thương hiệu nổi tiếng. Vị đại diện này khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với cục để bảo hộ thương hiệu và sẽ có thông tin sau.
Tuy nhiên, cho tới tận đầu tháng 12, dù Seven.AM đã được “xử”, phía NEM vẫn không đưa ra bất cứ thông tin nào liên quan đến vụ việc. Không hề có thông tin “thừa nhận” hay “minh oan” cho bản thân.
NEM Fashion là một trong những thương hiệu thời trang được chú ý trong vài năm trở lại đây. NEM được chú ý không phải vì tạo ra trào lưu thời trang mà do bị thâu tóm. Năm 2017, Stripe International của Nhật Bản mua 70% vốn công ty. Sau đó, tới năm 2018, NEM lại khiến dư luận xôn xao khi khoản nợ trị giá 111 tỷ đồng liên quan đến hãng thời trang này bị VietinBank rao bán.
Theo Bảo Linh (Nguoitieudung.com.vn)