SEVEN.AM bị phạt nặng vì kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa, sai lệch thông tin

30/11/2019 15:13:44

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) ra quyết định xử phạt hành chính 170 triệu đồng đối với thương hiệu SEVEN.AM do kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa, làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định.

Ngày 30/11, Tổng cục QLTT đã có thông tin tới báo chí về kết quả xác minh, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thương hiệu thời trang Seven.Am của Công ty cổ phần MHA và Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ.

Tổng cục QLTT phát hiện 4 sai phạm của Công ty cổ phần MHA.

SEVEN.AM bị phạt nặng vì kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa, sai lệch thông tin
Ảnh minh họa

Vi phạm đầu tiên của thương hiệu này là “Sản xuất, kinh doanh hàng hoá (váy, quần áo, túi, ví) có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa theo quy định”. Vi phạm này bị xử phạt 27,5 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thương hiệu này cũng vi phạm “Kinh doanh hàng hóa có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin về hàng hóa theo quy định (năm sản xuất của mặt hàng túi, ví)”. Số tiền xử phạt là 17,5 triệu đồng.

Hai sai phạm nữa là “Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy" và "Sản xuất hàng hoá có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng". Tổng mức phạt lên tới 110 triệu đồng.

Đối với Công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ, tổng số tiền bị xử phạt là 60 triệu đồng.

Trong đó, việc “Kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa” bị xử phạt nặng nhất. Hai sai phạm “Kinh doanh hàng hoá không công bố hợp quy và Kinh doanh hàng hoá có nhãn bị sửa chữa làm sai lệch thông tin” bị phạt từ 15 -17,5 triệu đồng.

Trước đó, Đội QLTT số 14 thuộc Cục QLTT Hà Nội kiểm tra 5 cửa hàng của Seven.Am tại Hà Nội và tạm giữ 9.035 sản phẩm gồm chân váy, đầm… để điều tra, làm rõ nghi án thương hiệu thời trang này thay nhãn mác Trung Quốc trên một số sản phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, chủ các cửa hàng kinh doanh đều không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa, đồng thời chưa công bố hợp quy cho sản phẩm để đưa ra lưu thông theo quy định.

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, toàn bộ số hàng hóa mang nhãn hiệu SEVEN.AM do Công ty cổ phần MHA chịu trách nhiệm và phân phối. Sản phẩm váy, quần áo được sản xuất tại Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh, địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội.

Trong khoảng thời gian từ năm 2017 - 2018, Công ty này đã nhập khẩu trực tiếp một số mặt hàng là ba lô, túi, ví, giày, dép, dây lưng từ Trung Quốc của Công ty TNHH Guangxi PingXiang Zhenguan Import & Export Trading co. LTD nhưng đã bán hết. Hiện Công ty không kinh doanh các mặt hàng trên.

Ngoài ra, công ty TNHH thời trang quốc tế Thư Kỳ là đơn vị được Công ty cổ phần MHA nhượng quyền kinh doanh sản phẩm mang thương hiệu SEVEN.AM.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh trên đang kinh doanh các sản phẩm quần, áo, váy, ví, túi các loại mang thương hiệu SEVEN.AM do Công ty cổ phần MHA chịu trách nhiệm và phân phối sản phẩm. Tuy nhiên, chưa phát hiện có dấu hiệu mua hàng dệt may của nước ngoài về để gắn nhãn hiệu và ghi nhãn theo phản ánh.

Thế nhưng, phía Tổng cục QLTT khẳng định, vẫn đang tiếp tục giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của Công ty cổ phần MHA, Công ty TNHH thời trang quốc tế Bảo Anh và các đơn vị có liên quan để làm rõ.

Đồng thời, Tổng cục QLTT khuyến cáo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bán lẻ các mặt hàng thời trang, dệt may cần tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hóa, xuất xứ hàng hóa cũng như chất lượng hàng hóa. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tăng cường kiểm tra các công ty, cửa hàng bán lẻ các mặt hàng này để chống các hành vi gian lận thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.

Văn Cơ (Nguoiduatin.vn)