Thời gian gần đây, nhiều khách hàng khá bất ngờ khi quầy thu ngân của một hệ thống cửa hàng tiêu dùng, thời trang đặt một chiếc hộp có đựng tiền vàng mã, với mỗi tờ tiền trị giá 100 tỷ yên. Khách mua hàng sẽ được mời lấy tiền vàng mệnh giá "khủng" miễn phí, dùng để đốt mã cho dịp cuối năm.
Theo cửa hàng, việc này nhằm truyền đi thông điệp hạn chế đốt vàng mã, vừa gây tốn kém chi phí, vừa gây hại cho môi trường.
Hình ảnh truyền thông điệp bảo vệ môi trường, tránh lãng phí của hệ thống cửa hàng này nhận được khá nhiều lời khen ngợi. Bên cạnh đó, nhiều người khá thắc mắc, vì sao cửa hàng sử dụng tờ tiền vàng mệnh giá 100 tỷ yên thay vì tỷ đô. Đơn giản vì đây là một hệ thống kinh doanh hàng tiêu dùng thời trang thương hiệu Nhật Bản.
"Một ý tưởng khá hay, dù rằng việc thay đổi thói quen hay quan niệm lâu đời rất khó", anh Phan Minh Thành, một khách mua hàng tại đây chia sẻ.
"Cách truyền đạt cũng vui vẻ, không quá khiên cưỡng. Gia đình tôi nhiều năm nay cũng hạn chế đốt vàng mã, để tiết kiệm chi phí", chị Thu An, một vị khách ở Cầu Giấy chia sẻ.
Với quan niệm "trần sao, âm vậy", việc đốt vàng mã từ xưa đến nay đã trở thành một hoạt động không thể thiếu, nhất là vào các dịp ngày Rằm, lễ Tết hàng năm.
Mỗi dịp như vậy, nhiều gia đình chi từ vài chục nghìn đồng đến hàng triệu đồng để mua sắm tiền vàng, mũ, áo, cá chép, xe… khiến việc kinh doanh mặt hàng này trở thành kiếm khá nhiều lợi nhuận.
Tại Hà Nội vào những ngày sát lễ cúng ông Công ông Táo, các khu chợ nổi tiếng chuyên bán mặt hàng cõi âm như hàng Mã, hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đỏ rực các mặt hàng vàng mã, mũ áo, tiền vàng với cảnh mua sắm tấp nập.
Tuy vậy, hoạt động đốt vàng mã cũng kéo theo rất nhiều lãng phí. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, trung bình mỗi năm người Việt đã đốt hàng nghìn tấn vàng mã. Mức tiêu tốn chi phí có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Việc khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã vừa nhằm tiết kiệm chi phí, đồng thời cũng tránh các tác nhân có thể gây ra hỏa hoạn.
Theo Hoàng Linh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)