Những nàng dâu mới thường sợ ngày Tết, tôi cũng không phải ngoại lệ. Ở độ tuổi 29 này, nhiều người đã chuẩn bị được hẳn một mâm cúng từ ông Công ông Táo cho tới cúng giao thừa, mùng 1... Vậy mà tôi chỉ biết làm 1, 2 món lặt vặt. Chẳng hiểu sao tôi cứ giữ quan điểm là đồ gì không làm được thì đặt mua bên ngoài, cũng sạch sẽ, đẹp mắt mà chi phí không quá tốn kém.
Với bản tính không đảm đang cho lắm, cộng thêm lười (công việc của tôi bận bịu nên tôi lười làm việc nhà) cùng sự khó ưa thất thường nên tôi chỉ mong lấy chồng sẽ được thông cảm. Ừ thì chồng có thể chưa đẹp, chưa giàu, nhưng gia đình anh ấy nhất định phải hiểu cho sự thiếu sót của tôi.
Tất nhiên các cụ hay có câu "ghét của nào trời trao của ấy" quả chí lý. Trong những mối tình thời trẻ, tôi từng muối mặt khi bị chê bai vụng về mỗi khi về ra mắt gia đình bạn trai. Sau mỗi lần như thế, những tưởng tôi sẽ thay tính sửa nết, nào ngờ "ngựa quen đường cũ". Tôi vẫn cứ "lỳ đòn", không chịu học hỏi, tới nỗi bố mẹ đẻ tôi cũng hết lời dạy dỗ.
May mắn thay, đường tình duyên mỉm cười, tôi đã gặp anh - một người chấp nhận hết thói hư tật xấu của mình. Tôi nhớ ngày còn quen nhau, thổ lộ thật với anh rằng mình rất kém khoản nấu ăn, anh ấy cười hì hì rồi bảo "Anh cũng vậy, nếu sau này em làm vợ anh, đừng lo, chúng mình kiếm nhiều tiền đi ăn hàng hoặc thuê giúp việc là được!".
Chỉ một câu như vậy cũng làm tôi thấy mến mộ bạn trai vô cùng. Sau đó, mỗi lần ra mắt gia đình anh, hay thậm chí là cả gia đình tôi, hai đứa đều đặt bàn ở nhà hàng sang trọng, dựa trên sở thích đôi bên. Chẳng hạn bố mẹ tôi thích hải sản thì chọn nhà hàng phục vụ món biển, còn bố mẹ anh thì thích đặc sản, nói chung có tiền là chiều được hết!
Yêu anh từ năm 27 tuổi thì tới khi 29 tôi lấy anh, đám cưới cũng chỉ mới diễn ra vài tháng trước. Tết năm nay là lần đầu làm dâu của tôi. Tôi cũng có tham khảo qua rất nhiều thông tin trên mạng về tất tần tật những thứ phải chuẩn bị cho Tết, từ đồ ăn thức uống cho tới cúng bái...
Mặc dù mới lấy chồng nhưng hai vợ chồng tôi ở riêng tại căn nhà bố mẹ đẻ cho chứ không ở cùng mẹ chồng. Về phần chuẩn bị của nhà tôi thì đã hòm hòm, mâm cúng ông Công ông Táo đâu vào đấy, cứ đến đúng ngày thì dâng lên bàn thờ thôi. Với mẹ chồng, tôi cũng không biết hỗ trợ ra sao, nên gửi bà ấy tiền và dặn dò "Con biết bản thân mình không đảm đang tháo vát gì, chẳng giúp được bố mẹ nên gửi tiền ạ. Mẹ cứ yên tâm, tiền thì không thiếu, mẹ muốn chuẩn bị mâm cúng to nhỏ là tuỳ vào ý của mẹ. Mọi năm như thế nào năm nay vẫn thế. Nếu có phải đặt đồ ở bên ngoài thì con sẽ đưa mẹ địa chỉ cụ thể, con biết nhiều địa chỉ tốt lắm."
Mẹ chồng nhận tiền, nhưng bà ấy lại khiến tôi sửng sốt với hành động khó hiểu sau đó. Mẹ chồng cúng sớm ông Công ông Táo từ ngày 20, có mời vợ chồng tôi sang ăn cơm. Tuy nhiên, khi nhìn mâm cỗ cúng, tôi sốc óc bởi trên đó chỉ có đĩa thịt luộc kèm bát rau xào! Ngoài ra, mẹ chồng chỉ chuẩn bị thêm đồ vàng mã.
Trong lòng tôi nghĩ hay là mẹ chồng chưa làm cỗ thì quay sang hỏi chồng. Ai dè thái độ anh ấy rất dửng dưng cứ như chuyện bình thường vậy! Trước bữa ăn, tôi có hỏi mẹ chồng "Ơ sao mâm cỗ cúng nhà mình đạm bạc thế nhỉ, bình thường ở nhà con chỉ có đầy đủ xôi, chả nem, giò, gà... các kiểu mà. Với cả con cũng đưa mẹ tiền chuẩn bị rồi mà..."
Mẹ chồng tôi chỉ bảo "Tiền bạc không phải vấn đề. Con dâu vụng thì mẹ chồng cũng vụng, không bày ra được nhiều món. Thế thôi!"
Biết ý, tôi không nói gì thêm. Chồng tôi thì vẫn cứ ăn cơm thịt luộc rau xào ngon lành.
Mọi người ơi, phải chăng mẹ chồng đang móc mỉa tôi đúng không? Nhưng nếu chuyện này là thật thì bà ấy rất quá đáng! Tôi chỉ sợ giờ mà làm rõ ngọn ngành chuyện này thì sẽ bị phản bác là đồ tiêu chuẩn kép. Tôi không đảm đang, không giúp gì được mà còn đòi hỏi. Tôi khó xử lắm...
Theo M.B (Nhịp Sống Việt)