Công nghiệp xe hơi Việt Nam: Con đường nội địa hóa đầy gập ghềnh

04/11/2019 10:45:48

Hiện nay ngành công nghiệp sản xuất xe hơi Việt Nam đã phát triển hơn nhiều và được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao. Tuy nhiên cần nhìn nhận thực tế tỷ lệ nội địa hóa ngành vẫn còn thấp nhiều so với kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Thị trường rộng lớn

Thị trường xe hơi trong nước vài năm gần đây tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng. Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay trung bình 20-30%/năm, đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.

Tiềm năng phát triển công nghiệp xe hơi phụ thuộc vào 3 yếu tố: Quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người và số xe trung bình/1.000 dân. Tại Việt Nam, xu thế xe hơi hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1.000 dân đạt 50 xe.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ xe hơi sẽ gia tăng trong giai đoạn đến năm 2025.

Nhưng xe hơi sản xuất nội địa sẽ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là xe hơi từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia) và trong vòng 7-10 năm tới là xe hơi từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA).

Hiện nay, trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm.

Trong danh sách các nhà sản xuất xe hơi nội địa phát triển nhanh trong hai năm gần đây có nhà máy VinFast (Tập đoàn Vingroup) đã chính thức khánh thành và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, chỉ sau 21 tháng xây dựng. Giai đoạn 1, nhà máy sẽ sản xuất xe hơi con với công suất dự kiến khoảng 250.000 chiếc/năm. Bên cạnh đó, Vinfast cũng xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp xe hơi trong tổ hợp nhà máy.

Công nghiệp xe hơi Việt Nam: Con đường nội địa hóa đầy gập ghềnh
Tỷ lệ nội địa hóa sản xuất ô tô Việt Nam còn quá thấp. (Ảnh: Minh họa).

Xe lắp ráp tại Việt Nam mắc hơn xe nhập

Mới đây, trong báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Công thương nêu rõ mục tiêu đề ra tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi phải đạt 40-60% vào năm 2010. Nhưng sau 9 năm hiện mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Thực tế ngành công nghiệp xe hơi của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành xe hơi; phụ thuộc lớn vào sự phân công sản xuất của các tập đoàn xe hơi toàn cầu, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động...

Cụ thể, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: Vỏ, ruột, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa... Đáng nói, vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hằng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng 2-3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa xe.

Ông Vũ Trọng Tài - Tổng Giám đốc Công ty Reed Tradex Việt Nam nhận định, hiện nay năng lực cung ứng của Việt Nam còn nhỏ về quy mô, thiếu đa dạng trong chủng loại, năng suất thấp dẫn đến năng lực cạnh tranh kém.

“Các khách hàng từ Bắc Mỹ và châu Âu sang Việt Nam tìm nguồn hàng mới thay thế cho nguồn hàng của Trung Quốc, tuy nhiên quá trình triển khai của chúng ta còn thấp, giá thành không cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Với nền tảng công nghiệp cơ khí còn thấp như vậy thì việc nhập khẩu linh kiện phụ tùng còn rất lớn và còn diễn ra lâu dài” - ông Tài nói thêm.

Cũng theo số liệu của Bộ Công thương, Việt Nam hiện có 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng linh kiện nhưng chỉ có 300 doanh nghiệp tham gia hệ thống sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. So với các quốc gia trong khu vực thì xe hơi sản xuất lắp ráp tại Việt Nam có chi phí cao hơn khoảng 20%. Với tỷ lệ nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ thấp, nên tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam so với các nước trong khu vực là khá thấp. Hiện nay, tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất xe hơi trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường các nước trong khu vực.

Nhiều chuyên gia còn chỉ ra rằng hiện nay các doanh nghiệp ngành xe hơi Việt Nam chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá trong sản xuất - lắp ráp xe hơi và sản xuất phụ tùng linh kiện; chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI), cho biết doanh nghiệp Việt Nam làm công nghiệp hỗ trợ đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó khăn về vốn, mặt bằng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường. Còn các nhà sản xuất chính khi tiếp cận doanh nghiệp luôn tìm những doanh nghiệp lớn, có đầy đủ nhà xưởng mặt bằng, nguồn nhân lực để đáp ứng.

Bên cạnh đó, trong khi ngành công nghiệp hỗ trợ rất cần sự hợp tác tạo thành chuỗi cung ứng lớn mạnh, đa dạng thì các doanh nghiệp Việt khá yếu trong khâu liên kết với nhau. Với những khó khăn và thiếu thốn này khiến toàn ngành gặp khó.

Theo Nguyễn Ngọc (Nguoitieudung.com.vn)