Mở cửa phiên giao dịch 20/10, sức cầu thấp khiến đa số cổ phiếu trụ cột nhóm VN30 tiếp tục giảm giá. Nửa đầu phiên sáng, có lúc chỉ số VN-Index giảm gần 10 điểm. Thị trường chịu áp lực lớn từ nhóm các cổ phiếu bất động sản, trong đó có bộ 3 cổ phiếu Vingroup, Vinhomes và Vincom Retail của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Kết thúc phiên sáng 20/10, VN-Index giảm 7,92 điểm, xuống 1.052,15 điểm. HNX-Index giảm gần 1%. Thanh khoản ở mức rất thấp, chưa tới 2.900 tỷ đồng trên sàn HoSE và chưa tới 3.200 tỷ đồng trên cả ba sàn, so với mức 30-40 nghìn tỷ đồng/phiên thời sôi động.
Cổ phiếu Novaland (NVL) của cựu chủ tịch Bùi Thành Nhơn và DPR của Phát Đạt cũng phần lớn đỏ, qua đó tác động tiêu cực lên thị trường chung.
Hãng hàng không VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo mở cửa xanh nhưng sau đó đa phần chuyển qua trạng thái giảm giá. Cổ phiếu VJC giảm từ đỉnh gần 150.000 đồng/cp hồi tháng 2-3 xuống mức 109.000 đồng/cp như hiện tại.
VietJet giảm giá khiến túi tiền của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo quy từ cổ phiếu VJC giảm mạnh.
Theo Forbes, tính tới 19/10, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo còn 2,2 tỷ USD, giảm mạnh so với mức 3,2 tỷ USD hồi giữa tháng 3/2022 khi ngành hàng không khởi sắc với du lịch nội địa tăng mạnh.
HDBank (HDB) - nơi bà Phương Thảo là Phó chủ tịch - có xu hướng đi ngang dù ngân hàng này có nhiều khoản trái phiếu doanh nghiệp đến hạn vào tháng 12 tới. Tập đoàn Sovico của bà Thảo cũng có nhiều lô trái phiếu doanh nghiệp (không có tài sản đảm bảo) trị giá cả nghìn tỷ phát hành hồi tháng 12/2019 và sẽ đáo hạn trong tháng cuối năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn có xu hướng giảm cho dù nhiều tổ chức tín dụng báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý III.
Thị trường chỉ còn ghi nhận một vài cổ phiếu trụ cột tăng nhẹ như Tập đoàn FPT và GAS.
Giới đầu tư vẫn thận trọng với những biến không mấy tích cực trên thị trường trong nước. Tình hình kinh tế vĩ mô vẫn tốt, tăng trưởng cao, lạm phát thấp. Tuy nhiên, lãi suất gần đây tăng mạnh, nhiều ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 8-9,5%/năm.
Tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Tỷ giá tại Vietcombank đã lên mức 24.650 đồng/USD (bán ra), cao hơn so với mức 24.000 đồng/USD hồi đầu tháng 10 (tương đương mức tăng 2,7% trong 3 tuần) và so với mức 22.920 đồng/USD hồi đầu năm. Tỷ giá trên thị trường tự do lên mức cao kỷ lục 25.000 đồng/USD.
Trên thế giới, đồng USD đang có xu hướng tăng trở lại và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên mức cao nhất 14 năm, qua đó khiến đồng yen Nhật xuống mức sâu nhất 14 năm và đồng bảng Anh giảm trở lại.
Nhiều tổ chức cho rằng, vẫn còn quá sớm để nhận định USD đã kết thúc xu hướng tăng giá. Đồng bạc xanh được dự báo tiếp tục tăng cho đến khi đà tăng của lạm phát cốt lõi được điều chỉnh và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang lập trường mềm mỏng hơn.
Thị trường tài chính Anh tiếp tục nóng giữa bối cảnh lo ngại kinh tế nước này lún sâu hơn vào suy thoái. Sự bất ổn của thị trường tài chính Anh có thể ảnh hưởng đến triển vọng của các thị trường trên toàn cầu.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)