Cổ phiếu HPG thuộc CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long trong phiên 12/10 tăng trần thêm 7%, lên 18.700 đồng. Theo Forbes, tài sản của ông Long tăng thêm 104 triệu USD lên 1,5 tỷ USD. Đây là lần tăng trần thứ hai trong năm 2022 của cổ phiếu HPG.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu HPG vẫn mất khoảng 47%. Tài sản của ông Trần Đình Long mất tương ứng khoảng 1,5 tỷ USD.
Cổ phiếu HPG tăng mạnh trở lại trong bối cảnh doanh nghiệp số một ngành thép Việt Nam được dự báo có lợi nhuận sa sút trong quý III/2022.
Theo Chứng khoán SSI, ước tính lợi nhuận sau thuế quý III của Tập đoàn Hòa Phát đạt khoảng 2.100 tỷ đồng, giảm 80% so với mức đỉnh trong quý III/2021. Lý do bởi giá thép giảm mạnh từ đỉnh cao năm 2021, trong khi giá than cốc lên cao làm tăng chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, lỗ tỷ giá cũng tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của HPG.
Giá thép xây dựng giảm từ 19 triệu đồng/tấn hồi tháng 5 xuống 15 triệu đồng/tấn như hiện nay. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) trong quý III giảm 32% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, ông lớn Hòa Phát vẫn ghi nhận sản lượng thép xây dựng tăng trong quý III/2022, mức tăng hơn 12% so với cùng kỳ lên hơn 1,1 triệu tấn.
Trong quý III/2021, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục, ở mức hơn 10.300 tỷ đồng.
Việc ngành thép gặp khó khăn đã được dự báo từ trước.
Lời cảnh báo của tỷ phú Trần Đình Long về sự khó khăn của ngành thép đã ứng nghiệm từ quý II, với việc CTCP Thép Thủ Đức - Vnsteel (TDS) trở thành doanh nghiệp ngành thép đầu tiên báo thua lỗ.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Hòa Phát, chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cảnh báo về tìn hình “thê thảm” của doanh nghiệp khi mà ngành thép “đang không thuận lợi”.
Ông Long cho hay, cổ đông đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV sẽ thấy. Tới quý II, “cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào". Theo ông Long, ngành thép gặp khó khăn trong ba quý cuối năm do nguyên vật liệu tăng mạnh ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine; việc Trung Quốc thực hiện chính sách Zero-Covid khiến cũng khiến nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm.
Trong quý III, Thép Thủ Đức tiếp tục báo lỗ 23 tỷ đồng, lớn gấp 34 lần cùng kỳ do giá bán không đủ bù đắp giá vốn. Chi phí lãi vay là gánh nặng, hàng hóa tiêu thụ chậm và ngân hàng siết room tín dụng.
Trước đó, SSI Research đánh giá biên lợi nhuận trong cả năm 2022 của hai doanh nghiệp tôn là Hoa Sen Group (HSG) và Thép Nam Kim (NKG) sẽ điều chỉnh từ mức đỉnh năm 2021 do không có hàng tồn kho giá thấp. Chứng khoán BSC lại cho rằng, biên lợi nhuận ngành thép sẽ suy giảm do giá bán thép bình quân năm 2022 giảm khi cạnh tranh trong ngành gia tăng.
Tình cảnh hiện nay của các doanh nghiệp ngành thép hoàn toàn trái ngược với giai đoạn quý II/2021 khi thế giới chứng kiến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu mạnh tạo điều kiện cho giá thép tăng cao.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)