Bất chấp sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn ngoại và những yếu tố tích cực đến từ việc thanh khoản cải thiện, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam một lần nữa khiến giới đầu tư thất vọng khi VN-Index không thể vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.300 điểm. Kết thúc tuần giao dịch đầu tháng 10-2024, VN-Index đã lùi sâu về vùng 1.270 điểm khiến nhiều nhà đầu tư "hết kiên nhẫn".
Tiếp tục gây thất vọng
Từ đầu năm 2024 đến nay, VN-Index đã có ít nhất 5 lần nỗ lực vượt ngưỡng 1.300 điểm nhưng đều bất thành. Cứ mỗi khi VN-Index tiệm cận vùng cản này, lực bán lại gia tăng mạnh, đẩy chỉ số giảm sâu trở lại. Nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân, đã trải qua những đợt tăng giảm giằng co đầy thử thách. Thậm chí, không ít người đã phải chịu lỗ khi mua vào cổ phiếu tại các vùng đỉnh ngắn hạn mà không kịp thoát hàng.
Anh Minh Nhật, một nhà đầu tư tại TP HCM, cho biết đã nắm giữ cổ phiếu bất động sản trong hơn 3 tuần, sau khi được khuyến nghị bởi các chuyên gia và công ty chứng khoán. Ban đầu, anh kỳ vọng vào tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu này khi giá đã tích lũy suốt nửa năm trước. Tuy nhiên, ngay khi thị trường tiến sát vùng 1.300 điểm, áp lực bán đột ngột gia tăng khiến cổ phiếu anh nắm giữ quay lại vùng giá mua ban đầu.
"Có thời điểm giá cổ phiếu này tiến sát 40.000 đồng nhưng đến phiên cuối tuần lại quay đầu giảm chỉ còn 37.450 đồng, trở về đúng vùng tích lũy suốt hơn 6 tháng qua. Điều này thực sự khiến tôi cảm thấy nản chí" - anh Nhật bày tỏ.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi TTCK dường như "trêu ngươi" họ, liên tục tăng giảm một cách khó lường. Những nỗ lực "lướt sóng" ngắn hạn không đem lại kết quả như mong đợi, trong khi việc nắm giữ cổ phiếu dài hạn cũng không mang lại lợi nhuận đáng kể. Trên các diễn đàn chứng khoán, tâm lý chán nản lan rộng khi nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự bất lực trước những biến động của VN-Index.
Theo ông Đinh Minh Trí, Trưởng Phòng Phân tích Khối khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Mirae Asset, sự không đồng thuận giữa cổ phiếu các nhóm ngành dẫn dắt thị trường, dòng tiền chỉ tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán và các yếu tố bên ngoài đã khiến VN-Index chưa thể bứt phá. Do đó, dù khối ngoại đã quay lại mua ròng trong nhiều phiên liên tiếp nhưng tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong nước vẫn còn đè nặng lên chỉ số.
"Tuần qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 444 tỉ đồng trên sàn HoSE. Tuy nhiên, dòng tiền lớn vẫn đang trong trạng thái chờ đợi. Nhà đầu tư nội hiện có xu hướng thận trọng do việc nâng hạng TTCK Việt Nam dời sang năm 2025 thay vì năm 2024 như dự báo trước đó. Hơn nữa, các biến động kinh tế từ Mỹ, Trung Quốc, châu Âu cùng với căng thẳng ở khu vực Trung Đông cũng khiến tâm lý nhà đầu tư nội lo ngại rủi ro trong ngắn hạn" - ông Trí lý giải.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Maybank, cho rằng căng thẳng tại khu vực Trung Đông đang tác động tiêu cực đến TTCK toàn cầu, khiến hầu hết các thị trường đều điều chỉnh.
"Tại Việt Nam, số liệu Chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất trong tháng 9 giảm xuống dưới mức 50, phần nào làm tăng sự thận trọng trong tâm lý nhà đầu tư, dù đây chỉ là tác động mang tính thời điểm khi nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ siêu bão Yagi. Về mặt thị trường, VN-Index đã có xu hướng tăng liên tục trong nửa cuối tháng 9, do đó áp lực chốt lời ngắn hạn là điều khó tránh khỏi" - ông Nguyễn Thanh Lâm nhận định.
Trông chờ Thông tư 68 và khối ngoại
Giữa bối cảnh TTCK vẫn còn lưỡng lự, một thông tin tích cực vừa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố. Đó là Thông tư 68/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 2-11, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được đặt lệnh mua cổ phiếu mà không yêu cầu phải có đủ tiền trong tài khoản. Đây là một điểm cải thiện quan trọng trong hệ thống giao dịch, giúp giảm bớt rào cản về ký quỹ trước giao dịch.
TS Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư - Công ty Chứng khoán DNSE, đánh giá Thông tư 68 sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn ngoại lớn hơn trong thời gian tới. "Thông tư này không chỉ giúp tăng cường tính thanh khoản của TTCK mà còn giúp Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng trong việc xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam, đáp ứng được một trong những tiêu chí mà các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quan tâm hàng đầu" - ông Hòa nhận định.
Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Thông tư 68 giúp giảm thiểu rủi ro và chi phí tài chính cho nhà đầu tư nước ngoài, từ đó tăng cường khả năng tiếp cận TTCK. Khi nhà đầu tư nước ngoài có thể giao dịch mà không cần ký quỹ trước, họ sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong việc mua bán và điều chỉnh danh mục. "Đây là một yếu tố quan trọng giúp thu hút thêm vốn ngoại vào thị trường, đồng thời tăng cường tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh của TTCK Việt Nam" - chuyên gia này kỳ vọng.
Ông Lâm cho rằng sự tích cực của khối ngoại trong 2 tuần trở lại đây đến từ cả hai phía "tăng mua" và "giảm bán". Nghĩa là, áp lực bán của một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài đã ít hơn sau một thời gian dài bán ròng.
Số liệu về giao dịch của khối ngoại cũng phản ánh đang bắt đầu có những dòng tiền mới được giải ngân vào TTCK Việt Nam. Cổ phiếu những nhóm ngành mà khối này gia tăng mua ròng thời gian gần đây có thể kể đến là: ngân hàng, chứng khoán và bất động sản.
Theo ông Đinh Minh Trí, khi không còn rào cản về ký quỹ, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia TTCK với tần suất và quy mô lớn hơn, từ đó góp phần cải thiện thanh khoản chung. Việc này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các quỹ đầu tư mới tham gia TTCK Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp trong nước thông qua TTCK.
"Thông tư 68 sẽ giúp nhà đầu tư tổ chức nước ngoài linh hoạt hơn trong việc giao dịch, giảm thiểu chi phí tài chính và loại bỏ các hạn chế về ký quỹ trước khi mua bán. Đây là yếu tố quan trọng giúp thu hút thêm vốn ngoại vào thị trường, đồng thời tăng cường tính thanh khoản và khả năng cạnh tranh của TTCK Việt Nam" - ông Trí nhấn mạnh.
Dòng tiền bắt đáy sắp xuất hiện?
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường - Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho rằng dòng tiền bắt đáy sẽ xuất hiện tại vùng 1.270 điểm và chỉ số khó có khả năng điều chỉnh sâu hơn. "Nhà đầu tư đã kịp chốt lời cổ phiếu tại vùng 1.290 - 1.300 điểm có thể xem xét giải ngân trở lại, đặc biệt ưu tiên các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực và định giá còn hấp dẫn trong những ngành như ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu và dầu khí" - ông nhìn nhận.
Theo Lam Giang (Nld.com.vn)