Thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm, đi lệnh ít nhất 10 lần mỗi quý mới được là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp?

17/09/2024 10:29:41

Dự thảo Luật Chứng khoán yêu cầu nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp phải giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất và có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán đang được Bộ Tài chính xây dựng, tiêu chuẩn nhà đầu tư chuyên nghiệp tiếp tục được nâng cao.

Cụ thể, đối với cá nhân, bổ sung quy định: Thứ nhất phải tham gia đầu tư chứng khoán trong thời gian tối thiểu 02 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 04 quý gần nhất; thứ hai có thu nhập tối thiểu 01 tỷ đồng/năm trong 02 năm gần nhất .

Điều kiện nhằm hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư nhưng ở một góc độ nào đó lại có phần khắt khe và có thể thu hẹp đối tượng tham gia trên thị trường.

Thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm, đi lệnh ít nhất 10 lần mỗi quý mới được là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp?
Ảnh minh họa: Internet

“Nhà đầu tư phải có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất” là điều kiện khó đáp ứng với đại đa số người dân Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2023 đạt gần 4.400 USD (~110 triệu đồng). Yêu cầu này sẽ thu hẹp đáng kể số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp do không thể đáp ứng tiêu chuẩn này.

Bên cạnh đó, điều kiện giao dịch tối thiểu 10 lần mỗi quý trong 4 quý liên gần nhất cũng khiến giới đầu tư lo ngại. Theo một số ý kiến, đây là tần suất giao dịch tương đối dày, đặc biệt là với các nhà đầu tư theo trường phái nắm giữ dài hạn. Tiêu chuẩn “chuyên nghiệp” buộc nhà đầu tư phải “trading” nhiều trong ngắn hạn.

Ghi nhận trên Nhịp sống Thị trường, một lãnh đạo công ty chứng khoán lớn từng chia sẻ “90% giao dịch trên thị trường là lỗ”. Nhận định cho thấy mức độ rủi ro cao trên thị trường chứng khoán, đặc biệt với những nhà đầu tư có tần suất giao dịch cao. Vì thế, điều kiện về tần suất giao dịch có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của nhà đầu tư, đặc biệt trong điều kiện thị trường không thuận lợi.

Nhìn chung, những tiêu chuẩn được bổ sung sẽ thu hẹp đáng kể số lượng nhà đầu tư chuyên nghiệp. Mặt khác, các điều kiện sẽ làm hạn chế các loại tài sản có thể tiếp cận đối với nhà đầu tư cá nhân không chuyên, điển hình như tái phiếu doanh nghiệp. Điều này phần nào sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư chính đáng của các cá nhân.

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 được phê duyệt vào cuối năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Theo thống kê từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón thêm 331.205 tài khoản giao dịch mở mới trong tháng 8. Đây tiếp tục là lượng tài khoản mở mới hàng tháng cao nhất trong vòng 2 năm qua.

Tính đến cuối tháng 8, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã vượt 8,6 triệu đơn vị, cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhóm này cũng đã tăng hơn 1,4 triệu tài khoản, thông tin trên Tri thức- ZNews.

PN (SHTT)