Chỉ giảm lãi suất thôi, thì chưa đủ!

18/08/2021 10:56:01

Khi mặt bằng lãi suất huy động đang rất thấp, nhà nước cần có thêm chính sách khác để hỗ trợ doanh nghiệp

Nhiều ngân hàng (NH) thương mại liên tục công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp (DN) và cá nhân bị tác động bởi dịch Covid-19 với mức giảm từ 0,5-1,5 điểm %. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, nguồn thu DN không còn thì lãi vay nên giảm từ 2-5 điểm % mới phù hợp.

Muốn giảm thêm cũng khó

Cụ thể, trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh cho DN mới đây, Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội đã đề xuất NH Nhà nước nghiên cứu, chỉ đạo hệ thống NH giảm từ 3-5 điểm % lãi suất cho vay nhằm tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất và phát triển, đồng thời, ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các DN giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển.

Ở ngành nhựa, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết nhiều DN nhựa ở khu vực phía Nam đang điêu đứng, phải ngừng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng. Nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng là rất lớn. Vì vậy, VPA kiến nghị NH Nhà nước sớm có chỉ đạo rà soát những khó khăn của DN bị ảnh hưởng đại dịch, giảm từ 2-3 điểm % lãi suất cho vay để hỗ trợ DN. "Chúng tôi cũng đề xuất giãn nợ trong 6 tháng tới cho các khoản vay ngắn hạn và dài hạn vì hiện rất nhiều DN nằm trong khu vực phong tỏa, cách ly, hoạt động sản xuất chỉ đạt 30%..., ảnh hưởng lớn tới doanh thu, dòng tiền. Các khoản vay ngắn và dài hạn của DN tại NH sẽ gặp nhiều khó khăn nên kiến nghị lùi thời gian trả nợ trong giai đoạn này" - ông Hồ Đức Lam nói.

Chỉ giảm lãi suất thôi, thì chưa đủ!
Ngoài giảm lãi suất, các doanh nghiệp kỳ vọng cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ… để bớt áp lực tài chính. Ảnh: TẤN THẠNH

Trước đó, nhiều NH thương mại đã công bố các chương trình giảm lãi suất cho vay với mức giảm 0,5-1,5 điểm % so với mức lãi suất hiện hành. Việc giảm lãi vay không áp dụng đại trà đối với toàn bộ khách hàng DN mà tùy từng lĩnh vực, ngành hàng. Nay, nhiều hiệp hội ngành hàng, DN tiếp tục kiến nghị giảm thêm lãi vay, theo các chuyên gia kinh tế, NH thương mại là không dễ trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã duy trì ở mức thấp thời gian qua.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, lạm phát cả năm được dự báo sẽ kiểm soát dưới 4% và lãi suất tiền gửi bình quân trên thị trường hiện vào khoảng 5%/năm. Nếu trừ đi lạm phát, lãi suất thực của người gửi tiền nhận được khoảng 1%/năm. Nay đề xuất giảm lãi vay từ 3-5 điểm % thì lãi suất huy động cũng phải giảm tương ứng, thế nhưng vậy là rất khó.

Chờ sửa chính sách

Theo phản ánh của nhiều DN, hoạt động sản xuất - kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, doanh thu, dòng tiền sụt giảm mạnh, thậm chí đứt hẳn. Do đó, ngoài việc NH giảm lãi vay, các DN cũng kỳ vọng được cơ cấu lại nợ, giãn, hoãn thời gian trả nợ… để bớt áp lực tài chính, từ đó có thể tập trung chống chọi với dịch bệnh, duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, để hỗ trợ được nhiều hơn cho DN, các NH kiến nghị cần sớm sửa Thông tư 03 của NH Nhà nước về cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Tại tọa đàm trực tuyến về những vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư 03 mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), cho biết ảnh hưởng của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đến nay là rất lớn nên cần sớm sửa đổi Thông tư 03 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cả tổ chức tín dụng và DN trong quá trình thực hiện. Các NH được yêu cầu phải giảm lãi, giảm phí nhưng nếu không cơ cấu nợ kịp thời thì khoản nợ chuyển thành nợ xấu, việc giảm lãi, phí không có tác dụng, NH không thu được nợ gốc chứ chưa nói đến nợ lãi...

Theo đại diện NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Thông tư 03 quy định thời hạn được thực hiện cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ đến ngày 31-12-2021. Nhưng đến hết tháng 7-2021, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, chưa thể dự kiến thời điểm kết thúc. Do vậy, NH đề nghị sửa giới hạn về thời gian phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trong khoản thời gian đến ngày liền kề sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch. Đồng thời, mở rộng thời gian cơ cấu trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo hướng phù hợp hơn nguồn thu dòng tiền khách hàng, đặc biệt là đối với khoản vay trung, dài hạn…

Để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận vốn của DN liên quan đến Thông tư 03, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cũng đồng tình với đề xuất mở rộng đối tượng, các khoản nợ được cơ cấu lại (kể cả những khoản nợ phát sinh sau ngày 10-6-2020 vì dịch còn diễn biến phức tạp). Đặc biệt, không giới hạn số lần cơ cấu lại mà nên giao cho tổ chức tín dụng chủ động thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế. Đồng thời, gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ vì dịch bệnh còn phức tạp (hiện đang quy định tối đa là 12 tháng và không quá 31-12-2021).

"Cần cho phép mở rộng phạm vi nợ được cơ cấu lại, bao gồm cả thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C (thư tín dụng), bao thanh toán… chứ không chỉ có nghiệp vụ cho vay vì dịch Covid-19 ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng…" - TS Cấn Văn Lực đề xuất. 

SHTP dự báo rất nhiều khó khăn cuối năm 2021

Khu Công nghệ cao TP HCM (SHTP) vừa có báo cáo đánh giá kết quả hoạt động 7 tháng đầu năm, với giá trị sản xuất ước đạt 12,948 tỉ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ và thực hiện 51,7% kế hoạch đề ra. Trong đó, giá trị xuất khẩu đạt 12,099 tỉ USD, tăng 23,3%; giá trị nhập khẩu đạt 10,809 tỉ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Trong 7 tháng, SHTP chỉ cấp mới 1 giấy chứng nhận đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 162,6 tỉ đồng, cấp điều chỉnh tăng vốn 784 triệu USD cho 3 dự án đầu tư nước ngoài và 6 tỉ đồng cho 1 dự án Việt Nam. Lũy kế đến nay, SHTP có 164 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 8,4 tỉ USD.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý SHTP, dự báo 5 tháng cuối năm 2021, tình hình hoạt động của khu sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Ban quản lý đang nỗ lực duy trì các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động ổn định, bảo đảm giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao của SHPT cả năm chỉ giảm khoảng 10%-15% so với kế hoạch đề ra, tương đương đạt 22,5 tỉ USD.

T.Nhân

Lấy ý kiến về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố dự thảo Nghị quyết hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để lấy ý kiến công khai. Tại dự thảo, Chính phủ quyết nghị 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, giao cụ thể cho từng bộ, ngành và địa phương. Nhóm giải pháp thứ nhất là thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 linh hoạt, hiệu quả, tạo điều kiện cho DN ổn định và duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong đó, yêu cầu các bộ ngành phân bổ hợp lý nguồn vắc-xin Covid-19, bổ sung các nhóm đối tượng ưu tiên phù hợp.

Nhóm giải pháp thứ 2 là bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Chính phủ lưu ý không quy định thêm các điều kiện cản trở lưu thông, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu, vật tư, nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, giao NH Nhà nước có các giải pháp hỗ trợ về vốn vay cho các thương nhân, DN thu mua, tạm trữ lúa, gạo.

Nhóm giải pháp thứ 3, hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho DN. Theo đó, BHXH Việt Nam nghiên cứu đề xuất các chính sách tạm dừng, giảm mức đóng BHXH năm 2021 cho DN đến tháng 6-2022. Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo trong tháng 8 về việc giảm giá điện cho một số ngành, lĩnh vực. Đồng thời, tiếp tục giảm giá điện cho cơ sở lưu trú du lịch, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan nhanh chóng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm triển khai các chính sách về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất; xem xét các chính sách về thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nghiên cứu cho phép các DN lữ hành được tạm thời rút tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành nội địa và quốc tế; giảm thời gian giải quyết rút tiền ký quỹ từ 60 ngày xuống 30 ngày...

Nhóm giải pháp thứ 4 về vấn đề lao động, chuyên gia. Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất chính sách áp dụng linh hoạt và nới lỏng các quy định, điều kiện về việc cấp, gia hạn giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh "ngoại giao vắc-xin", chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, cùng các thiết bị, vật tư y tế. Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh việc nghiên cứu, đàm phán, công nhận lẫn nhau "hộ chiếu vắc-xin" với các quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm sớm mở cửa nền kinh tế khi điều kiện cho phép.

M.Chiến

Theo Thái Phương (Nld.com.vn)

Nổi bật