Nghị định 100 vừa đi vào cuộc sống, đã có không ít tài xế bị xử phạt nghiêm khắc do chưa kịp cập nhật mức phạt mới.
Cũng từ đây, trên các diễn đàn về ô tô, xe máy, các tài xế không khỏi lo ngại và bắt đầu có nhiều ý kiến trái chiều về việc làm thế nào để đảm bảo an toàn sau bữa tiệc, mà không phạm luật.
Sử dụng xe ôm hoặc taxi sau bữa nhậu là giải pháp trước mắt ai cũng thấy, thế nhưng, vấn đề nan giải cần giải quyết là xe của những người đã uống rượu thì phải xử lý ra sao?.
Nhiều ý kiến đã lựa chọn giải pháp đón xe ôm hoặc taxi trước và sau bữa nhậu. Tuy nhiên, có cầu ắt có cung, những ngày gần đây, dịch vụ đưa người say về nhà đã bắt đầu xuất hiện từ các thành phố lớn như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cho đến các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên…
Chỉ với mức chi phí 300.000 đồng/lần sử dụng dịch vụ đối với xe máy, đến khoảng 500.000 đồng/lần đối với xe ô tô, người uống rượu, bia sẽ được đưa đón về tận nhà.
Mở dịch vụ này chưa đến một tuần nhưng chị Nguyễn Thị Phượng (32 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) luôn trong trạng thái tất bật, đặc biệt là vào buổi đêm.
Chị Phượng cho biết, số lượng lái xe kết hợp với chị để đưa khách về nhà đã lên đến hơn 200 người. Khách hàng của chị Phượng chiếm số lượng nhiều là khách đi ô tô nhưng không thể tự lái xe về.
Chị Phượng cho hay: "Bên chúng tôi thu phí theo số chiều dài quãng đường mà khách cần đi. Dưới 2km, chúng tôi thu chỉ 100.000 đồng; từ 2 - 5km là 120.000 – 150.000 đồng. Nếu khách say không thể nhớ được địa chỉ nhà mà phải chờ đến khi tỉnh lại thì sẽ thu thêm khoảng 50.000 đồng, tùy chuyến đi".
Dịch vụ đưa người say về nhà được người dân đánh giá là một công việc hữu ích, bởi người làm dịch vụ vừa có thu nhập mà xã hội cũng giảm thiểu tai nạn giao thông. Chính vì vậy, một số ứng dụng đưa người say về nhà cũng "ra đời" trên phiên bản Androi.
Cũng chính bởi ưu điểm này, các chủ nhà hàng, quán bia cũng bắt đầu cho ra dịch vụ đưa khách say về nhà hoặc đưa ra các phương án hỗ trợ để khách say vừa đảm bảo an toàn, vừa không vi phạm luật mà nhà hàng cũng giữ chân được thực khách và đảm bảo nguồn thu.
Từ khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống, quán bia 68 Tây Hồ của anh Đàm Ngọc Vũ tại phố Đặng Thai Mai (quận Tây Hồ) rơi vào tình cảnh vắng khách.
Song, để giữ chân được thực khách và đảm bảo nguồn thu của quán, anh Đàm Ngọc Vũ đưa ra phương án hỗ trợ khách nhậu về nhà an toàn mà vẫn tuân thủ quy định.
Anh Đàm Ngọc Vũ cho biết: "Lượng khách giảm có thể do họ ý thức được việc sử dụng bia rượu ở nhà hàng sẽ vi phạm pháp luật nên chúng tôi đã có phương án hỗ trợ là đối với bàn đặt, chúng tôi hỗ trợ gọi xe, gọi người đến lái xe đưa cả xe cả người say về nhà".
Anh Vũ Công Khoa (33 tuổi, ở Hoài Đức), chủ quán bia Đồng Sậy cũng tương tự.
Anh Khoa cho biết, từ khi Nghị định 100 có hiệu lực, đặc biệt là từ khi các trường hợp bị xử phạt do phát hiện nồng độ cồn trong khí thở được thông tin rộng rãi thì không chỉ một số hãng taxi đã liên hệ với quán để tạo kết nối, khi khách say thì đưa khách về, mà một số cá nhân cũng chủ động kết nối với quán về dịch vụ đưa người say và xe của người say về nhà.
"Biết trước được vấn đề này, chúng tôi cũng lên phương án để vừa giữ chân khách mà vừa đảm bảo nguồn thu cho quán là bố trí những chỗ để xe qua đêm cho khách. Còn đối với người thân quen hoặc ở khu vực lân cận quán thì chúng tôi sắp xếp nhân viên đưa khách về tận nhà", anh Khoa cho hay.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)