Giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm về thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà thừa nhận phương án rà soát quỹ đất, nhu cầu sử dụng đất chưa được xem xét trước khi cổ phần hóa. Đất đai chưa được quản lý, đánh giá giá trị một cách cụ thể, minh bạch.
Bộ quản lý không muốn rời doanh nghiệp và vừa đá bóng vừa thổi còi
Các đại biểu cho rằng việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016 có tiến triển. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không đúng mục đích, cũng như không đạt được giá trị như mong muốn. Trong đó việc quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp và các bộ ngành đang khiến nảy sinh các vấn đề tiêu cực nhất là trong quản lý sử dụng đất đai.
Vấn đề lợi ích nhóm thường xuất hiện trong các doanh nghiệp Nhà nước, khi các bộ quản lý không muốn rời bỏ doanh nghệp sân sau và vừa đá bóng vừa thổi còi.
Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) đề cập đến tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các bộ.
"Nhiều bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là sân sau. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa 'đá bóng, vừa thổi còi”, bà đặt vấn đề.
Theo bà Lịch, nhiều nhóm lợi ích sẽ dẫn đến nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước qua cổ phần hoá, xác định giá thị thấp hơn giá trị thực tế lợi thế đất, thương hiệu không được đánh giá đúng. Nhiều doanh nghiệp bị bán với giá bèo bọt, có tình trạng tài sản Nhà nước mua vào thì cao, còn bán ra thì thấp.
Bà Lịch đề nghị không cách nào hay hơn phải đấu giá công khai minh bạch, loại bỏ các yếu tố lũng đoạn, chi phối mới không bị lãng phí, phát sinh tiêu cực. Cơ chế định giá tài sản phải thay đổi.
Cũng theo nữ đại biểu tỉnh Bắc Giang, bảo toàn vốn doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chỉ trên sổ sách, còn giá trị thực tế giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết. Bà đề nghị chính sách khấu hao cần nghiên cứu lại, để "vốn bỏ ra tương đương một chiếc ôtô thì 10 năm sau vốn đó vẫn phải đủ giá trị mua chiếc xe tính năng tương đương".
Mất vốn Nhà nước nằm ở khâu tổ chức đấu giá
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng cho rằng quản lý sử dụng vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp còn phát sinh nhiều bất cập gây thất thoát vốn. Bà nói quá trình xác định giá trị doanh nghiệp giá đất đai phải theo cơ chế thị trường.
“Vi phạm trong sử dụng đất khi cổ phần hoá gây rối ren và bức xúc trong dân. Doanh nghiệp quản lý 'đất vàng' cho thuê giá bèo. Để ngăn chặn các doanh nghiệp giữ đất dù không phù hợp với mục đích kinh doanh, đề nghị Chính phủ sớm rà soát, thu hồi lại toàn bộ đất, đất vàng sai phạm, chấn chỉnh cách tính giá thuê đất”, bà Tuyết nói.
Đại biểu này cũng thẳng thắn chỉ ra không ít doanh nghiệp được giao những lô đất ở vị trí thường gọi là đất vàng nhưng việc cho thuê, đấu giá, chuyển nhượng không minh bạch. Phải làm rõ các yếu tố này. Bà nói nhiều đơn vị bộ ngành cùng bắt tay xác định giá trị thấp khiến các tài sản liên quan đến đất đai được chuyển nhượng có giá rất thấp.
Tranh luận với ý kiến của một số đại biểu đăng đàn trước mình, ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Công ty cổ phần Tasco, cho rằng việc định giá doanh nghiệp Nhà nước không thể "chính xác 100%, chỉ có thể tương đối và sát với thị trường".
"Đây là vấn đề trừu tượng và khó, ngay cả thuê tư vấn nước ngoài cũng không thể đưa ra được dữ liệu sát thực thị trường nhất, giá xác định đem ra đấu giá chỉ nên để tham khảo, là giá sàn khi đấu giá", ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, mất vốn Nhà nước nằm ở khâu tổ chức đấu giá chứ không phải xác định giá trị doanh nghiệp. Do vậy đại biểu này đề nghị phải xây dựng lại quy trình đấu giá cổ phần doanh nghiệp khi đưa lên sàn.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận đất của doanh nghiệp Nhà nước bán còn rẻ
Giải trình các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà thừa nhận phương án rà soát quỹ đất, nhu cầu sử dụng đất chưa được xem xét trước khi cổ phần hóa. Đất đai chưa được quản lý, đánh giá giá trị một cách cụ thể, minh bạch.
Ông cho rằng khi tính toán giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, không thể tính toán giá trị đất đai. Điều này không sai, bởi khi Nhà nước giao đất, có những trường hợp giao không thu tiền sử dụng đất, có những doanh nghiệp giao đất nhưng thu tiền sử dụng hàng năm. Do đó không thể mang ra định giá chung với giá trị của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông thừa nhận nhiều doanh nghiệp Nhà nước sau khi cổ phần hóa, thực tế sử dụng đất đai không phải như ban đầu, có khu vực đất đai sử dụng lãng phí, trong đó có nhiều khu đất vàng. Sau khi cổ phần hóa xong, các doanh nghiệp đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không đúng tiêu chí cần phải thực hiện.
“Việc chuyển đổi mục đích không thể tính toán, không thể đưa ra đấu giá khi áp dụng giá đất đai hiện hành của các địa phương. Còn có sự khác biệt rất lớn so với giá thị trường. Chưa đánh giá giá trị về vị trí của đất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng dẫn Nghị định 01/2017 của Chính phủ đã có sự điều chỉnh phương án cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Nghị định yêu cầu rà soát lại quỹ đất để lập phương án sử dụng đất, trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi cổ phần hóa.
Ông cho rằng qua rà soát có thể thu hồi quỹ đất doanh nghiệp quản lý lỏng lẻo, không hiệu quả, phục vụ các mục đích khác nhau.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng TN&MT, có nhiều bất cập trong việc xác định giá đất. Trong đó việc xác định không đảm bảo nguyên tắc giá đất cụ thể, cơ quan tư vấn, đội đồng thẩm định chưa tính đến quy hoạch, vị trí, lợi thế, không phù hợp cơ chế thị trường.
Và để xử lý các tồn tại của các doanh nghiệp cổ phần hóa, ông nói cần phải xem xét thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là tiến hành thanh tra các dự án có đất vàng. Trên cơ sở phát hiện có gì thiếu minh bạch, không phù hợp thì sẽ xem xét xử lý thích hợp.
“Cổ phần hóa phải tính đến đa mục tiêu, cần quản lý hiệu quả hơn quỹ đất, tính toán quy hoạch lại. Doanh nghiệp Nhà nước gây ô nhiễm môi trường, phát triển không phù hợp, cần phải thu hồi”, bộ trưởng nói.
Trước đó, thay mặt Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát, trong đó đặc biệt lưu ý về tình trạng làm ăn thua lỗ, yếu kém của các doanh nghiệp.
Cụ thể, đến hết năm 2016, cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách Nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1,3 triệu tỷ đồng lên 1,6 triệu tỷ đồng).
Theo Bình Nguyên - Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)