Theo dữ liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường Momentum Works (Singapore), 4,4 tỷ USD là tổng giá trị hàng hoá mà người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á đã chi ra để mua hàng trên nền tảng TikTok Shop vào năm 2022. Trong đó, riêng người tiêu dùng Việt Nam đóng góp 360 triệu USD (tương đương 8.460 tỷ đồng), tức 23,1 tỷ đồng mỗi ngày. Con số này “chưa thấm vào đâu” so với những gì Shopee (47,9 tỷ USD toàn Đông Nam Á) và Lazada (20,1 tỷ USD toàn Đông Nam Á) đạt được nhưng TikTok Shop vẫn được đánh giá là “người chơi” mới đáng gờm trong khu vực.
TikTok Shop hiện đã nhanh chóng vươn lên và lọt vào Top 5 nền tảng TMĐT có GMV lớn nhất tại tất cả các thị trường Đông Nam Á mà nó hiện diện. Tại Việt Nam, TikTok Shop đi vào hoạt động từ đầu năm 2022, thời điểm miếng bánh TMĐT phần lớn đang thuộc về tay Shopee và Lazada. Sau hơn một năm, TikTok Shop đã đạt thành tích GMV ngang ngửa với Sendo, gần đuổi kịp Tiki– nền tảng TMĐT 13 năm tuổi.
Theo công ty nghiên cứu thị trường đến từ Singapore, TikTok Shop đã đạt được mức GMV đáng kể thông qua các video và video phát trực tiếp. Ban đầu, nền tảng này đẩy sản phẩm lên màn hình hiển thị của người dùng (feed) thông qua video, livestream và video quảng cáo chèn giữa feed. Chiến lược này được gọi là “sản phẩm đi tìm kiếm người tiêu dùng”, thu hút những người dùng vốn ban đầu không có ý định mua hàng mà chỉ có mục đích giải trí.
Phiên bản cải tiến của TikTok Shop hiện đã hỗ trợ và tích hợp nhiều tính năng (chẳng hạn như tìm kiếm sản phẩm, flash sale,…) để đáp ứng các nhu cầu mua sắm khác nhau của người tiêu dùng, khiến nó giống với nền tảng thương mại điện tử truyền thống hơn. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ TikTok Shop đã có s ẵn traffic nhờ lượng lớn người xem video TikTok.
Bên cạnh đó, TikTok Shop đã giới thiệu một trang riêng dành cho mua sắm, thông qua tab “Shop” hiển thị ngay chính giữa màn hình. Tính năng này hỗ trợ tốt hơn những người dùng có ý định mua sắm trong việc tìm kiếm, khám phá, lựa chọn các sản phẩm, hay còn gọi là chiến lược “ người dùng tìm kiếm sản phẩm” . Theo Momentum Works, ở những thị trường mà tab “Shop” được ra mắt, tính năng này đã đóng góp nhiều hơn vào lượng đơn đặt hàng so với tính năng tương tự trên Douyin ở Trung Quốc.
“Các tính năng được phát triển đã thiết lập mối quan hệ hai chiều giữa hai chiến lược “sản phẩm tìm kiếm người dùng” và “người dùng tìm kiếm sản phẩm”, khuyến khích hành vi mua hàng bốc đồng, đồng thời, tạo thói quen tìm kiếm sản phẩm và mua sắm trên TikTok của người dùng. Điều này càng củng cố vị trí của TikTok Shop như một nền tảng thương mại điện tử lớn tương tự các nền tảng khác trên thị trường ”, công ty nghiên cứu thị trường từ Singapore nhận định.
Tuy nhiên, Momentum Works cũng chỉ ra thế khó của TikTok Shop trong cuộc chiến với các anh lớn.
Cụ thể, TikTok Shop khó thuyết phục khác thương hiệu mở cửa hàng trên nền tảng của mình. Pần lớn các thương hiệu lớn vẫn đang xem TikTok như một kênh tiếp thị. Thứ hai, các kết quả sản phẩm trả về trên TikTok Shop không đủ độc đáo, nhiều sản phẩm có thể được mua thông qua các nền tảng lâu đời khác, thường là bằng tín dụng. Trong khi đó, người dùng cũng vẫn coi TikTok như một ứng dụng mạng xã hội hơn là một nền tảng TMĐT.
Momentum Works nhận định: “Mặc dù TikTok Shop mang đến cho người dùng trải nghiệm khác biệt so với các nền tảng thương mại điện tử truyền thống trong khu vực, nhưng liệu nền tảng này có thể xây dựng trải nghiệm đó thành trụ cột của thương mại điện tử ở Đông Nam Á hay không, với hệ sinh thái nội dung thương mại điện tử trưởng thành, vẫn còn phải chờ xem...
TikTok Shop vẫn còn ở giai đoạn sơ khai với rất nhiều cơ hội để cải tiến. Nhiều vấn đề được nêu trên chỉ là vấn đề kỹ thuật, không có tính chất cấu trúc và có thể được giải quyết nếu có thêm thời gian, sự tập trung vào vận hành và đầu tư vốn hơn nữa” .
TikTok Shop cũng không hề giấu diếm tham vọng của mình. Nền tảng này được báo cáo là có mục tiêu tăng gấp 3 lần giá trị giao dịch hàng hoá vào năm 2023, tức đạt 15 tỷ USD.
Theo Hoàng Thuỳ (Nhịp Sống Thị Trường)