Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 6 của Bộ TT&TT diễn ra ngày 5/6, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay, theo quy định pháp luật, các thông tin trong quá trình kiểm tra, thanh tra là những thông tin cần được bảo mật. Thời gian tới, khi có kết luận kiểm tra nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới TikTok, Bộ TT&TT sẽ thông tin tới báo chí.
“Sơ bộ thấy rằng, phát hiện ban đầu của đoàn kiểm tra đã giúp cho chúng ta xác nhận được nhận định ban đầu của mình về những vi phạm của TikTok là có cơ sở. Rất nhiều vi phạm!”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ.
Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, song song với việc kiểm tra để phát hiện vi phạm, thời gian qua, Bộ TT&TT cũng có những động thái để phổ biến quan điểm, thông điệp của Bộ trong việc quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, YouTube.
Cụ thể, ngày 27/5, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT đã tổ chức hội thảo kết nối mạng lưới quản lý đa kênh (MCN), các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng (KOLs) tại TP.HCM.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh, ở đây có 2 mặt của 1 vấn đề, một mặt là phát hiện sai phạm và xử lý sai phạm, cho dù đó là sai phạm của nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới hay sai phạm của cá nhân, tổ chức liên quan. Nhưng mặt khác, cũng cần kêu gọi, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật đến cộng đồng đang sáng tạo nội dung lành mạnh trên các nền tảng mạng xã hội trong và ngoài nước. Bởi lẽ, họ cũng có quyền được biết, để tuân thủ và làm cho đúng.
“Thông qua sáng tạo nội dung, các nhà sáng tạo có đóng góp tích cực vào việc tạo nên không gian nền tảng mạng xã hội lành mạnh, tuân thủ pháp luật, lên tiếng đấu tranh như người có trách nhiệm làm sạch nền tảng đó. Đây cũng là những tiếng nói có ảnh hưởng để các nền tảng mạng xã hội hiểu rằng cần làm sạch, làm đúng mới là xu hướng lâu dài, giúp các nền tảng tồn tại, phát triển và cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, nếu không thì sẽ bị xử lý”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm thông tin thêm.
Trong kế hoạch kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã nêu ra các nội dung kiểm tra như: việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng trong nước của nền tảng này; việc chấp hành các quy định về quảng cáo; việc quản lý người nổi tiếng, người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên TikTok (Idol TikTok); việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội trên không gian mạng.
Đồng thời, đánh giá tác động của TikTok đối với thanh thiếu niên; kiểm tra việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; việc thực hiện nghĩa vụ về thuế; đánh giá tác động, ảnh hưởng của mạng xã hội TikTok đến xu hướng và vai trò của truyền thông chính thống.
Trước đó, Bộ TT&TT đã thông tin về những sai phạm của TikTok tại Việt Nam. Các vi phạm này bao gồm việc TikTok chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, gây nguy hiểm với trẻ em. TikTok dùng thuật toán phân phối tự động để tạo xu hướng và phát tán nội dung câu view, bất chấp sự phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ.
Bên cạnh đó, TikTok cũng đã mở thêm mảng thương mại điện tử, dẫn đến vi phạm thứ ba là nền tảng không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động thương mại, kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc.
Với người làm nội dung, thường được gọi là "idol", Bộ TT&TT đánh giá nền tảng chưa có biện pháp quản lý hiệu quả. Ngoài ra, Tiktok cũng để nội dung vi phạm bản quyền xuất hiện tràn lan và bị đánh giá không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân với mục đích tung tin giả, bôi nhọ, xúc phạm người khác.
Theo Vân Anh (VietNamNet)