Theo các biên bản kiểm tra và tài liệu về các cuộc làm việc giữa Tổng cục ĐBVN với Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (MPC) mà PV có được, mặc dù hệ thống sao lưu dữ liệu đã hoạt động, nhưng số liệu hình ảnh, video phương tiện qua trạm kể từ ngày 1/3/2017 đến 10/10/2019 nhà đầu tư phải sao lưu 1 - 5 năm theo quy định, nhưng hiện MPC mới chỉ khai báo với cơ quan chức năng được một vài tháng. Có trạm, hình ảnh lưu phương tiện đi qua thiếu đến 2 năm. Vậy nhưng, sáng 10/6 theo ghi nhận của PV Tiền Phong, ở tất cả trạm thu phí BOT trên cao tốc Pháp Vân- Cầu Giẽ vẫn hoạt động bình thường.
Trạm BOT thiếu 23 tháng dữ liệu
Sau khi có văn bản yêu cầu dừng thu phí từ 10/6, trong các ngày vừa qua, Tổng cục ĐBVN đã cử nhiều tổ công tác xuống kiểm tra và phát hiện những tồn tại trong hệ thống lưu trữ, sao lưu dữ liệu hoạt động theo quy định của Thông tư 49.
Cụ thể, theo quy định, để phục vụ công tác giám sát, hậu kiểm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhà đầu tư các trạm thu phí phải trang bị hệ thống giám sát hoạt động thu phí và sao lưu hình ảnh với thời gian tối đa là 5 năm hoạt động. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/3/2017, tuy nhiên qua kiểm tra hệ thống sao lưu hình ảnh tại các trạm thu phí trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổ công tác của Tổng cục ĐBVN phát hiện, nhiều hình ảnh lưu lượng phương tiện qua trạm bị thiếu, thậm chí có trạm thiếu đến gần 2 năm (23 tháng).
Đơn cử, tại trạm BOT Pháp Vân (trạm có lưu lượng xe lớn nhất trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ), kiểm tra dữ liệu hình ảnh lưu lượng xe qua trạm tại đây trong thời gian hoạt động từ ngày 1/3/2017 đến 10/6/2019, đại diện Tổng cục ĐBVN phát hiện, nhà đầu tư thiếu dữ liệu hình ảnh trong khoảng thời gian từ 1/3/2017 đến 30/11/2018 (19 tháng); với dữ liệu hình ảnh video thiếu từ ngày 1/3/2017 đến 30/1/2019 (23 tháng).
Tại trạm Thường Tín, hình ảnh lưu lượng xe qua trạm, nhà đầu tư thiếu từ ngày 1/3/2017 đến ngày 30/7/2018 (16 tháng), dữ liệu hình ảnh video thiếu từ 1/3/2017 đến 30/1/2019 (23 tháng). Với trạm Vạn Điểm, hình ảnh lưu lượng xe nhà đầu tư thiếu ngày từ 1/3/2017 đến ngày 30/7/2018 (18 tháng), dữ liệu hình ảnh video thiếu từ 1/3/2017 đến 1/2/2019 (23 tháng)…
Trao đổi với PV chiều 10/6, đại diện Tổng cục ĐBVN xác nhận, các thông tin trên là có thực. Theo đại diện Tổng cục ĐBVN, toàn bộ nội dung này cũng đã được lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ ký vào biên bản được lập vào chiều 9/6.
Khi chúng tôi đề cập việc nhà đầu tư chưa sao lưu và cung cấp đầy đủ số liệu theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước cho thấy còn vi phạm 2 nội dung (không lưu trữ và trích xuất được dữ liệu hoạt động), vậy tại sao ngày 10/6 trạm vẫn hoạt động và không bị dừng như yêu cầu? Đại diện Tổng cục ĐBVN cho biết, việc này đang được tổ công tác báo lại Tổng cục trưởng và lãnh đạo Bộ GTVT.
Tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ vốn là đường nhà nước đầu tư, đến đầu năm 2015 Bộ GTVT đồng ý cho liên danh nhà đầu tư là Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp đường Pháp Vân- Cầu Giẽ từ 2 lên 4 làn xe với tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng. Đến tháng 10/2015, mặc dù dự án thi công chưa xong giai đoạn 1, Bộ GTVT đã chấp thuận cho nhà đầu tư thu phí phương tiện qua lại với mức 45.000 đồng/lượt xe dưới 9 chỗ ngồi. Với tổng mức đầu tư trên, nhà đầu tư được thu phí vòng 17 năm 3 tháng.
Trước đó, đầu năm 2016, Tổng Cty Xây dựng công trình giao thông 1 - Công ty CP (Cienco1- một trong những nhà đầu tư góp vốn), đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo nhà đầu tư chính là Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ không minh bạch doanh thu, không công khai thông tin thu phí.
Sau sự việc trên, Tổng cục ĐBVN đã thành lập các tổ giám sát công tác tại trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ. Kết quả, sau 10 ngày giám sát ngẫu nhiên, tổ công tác đã ghi nhận, mỗi ngày trạm thu được hơn 1,9 tỷ đồng. So với con số 1,2 đến 1,4 tỷ đồng/ngày Cty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ báo cáo với Bộ GTVT trước đó, con số này chênh khoảng 500 triệu đồng/ngày.
Theo Anh Trọng (Tiền Phong)