Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Bộ Giao thông Vận tải (ĐBVN- Bộ GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí tại trạm thu phí Pháp Vân do chưa đảm bảo các yêu cầu về sao lưu dữ liệu theo quy định.
Ngày 01/01/2018, Tổng cục ĐBVN đã có Quyết định số 4209/QĐ - TCĐBVN về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ.
Ngày 28/11/2018, Đoàn kiểm tra đã thực hiện kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc Dự án : Đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý và khai thác.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục ĐBVN đã có Thông báo số 121/TB - TCĐBVN ngày 03/ 4/2019 yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện ngay công tác sao lưu dữ liệu thu phí.
Ngày 13/5/2019, Cục QLĐB I đã có văn bản số 817/CQLĐBI - KHTC báo cáo việc kiểm tra việc sao lưu dữ liệu thu phí tại Trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Theo báo cáo của Cục QLĐB I, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu.
Đến nay, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thực hiện các yêu cầu nói trên, Tổng cục ĐBVN báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý là yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/ 2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định.
.Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ, thành phố Hà Nội theo hình thức BOT do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ quản lý trước đó đã có nhiều “lùm xùm”, “nhập nhèm” về công tác thu phí.
Nội bộ các cổ đông trong công ty nghi ngờ số liệu báo cáo đếm xe qua trạm không chính xác nên đã lập một nhóm lắp camera trước trạm thu phí để đếm xe, giám sát xe qua trạm.
Sau đó, Tổng cục ĐBVN đã lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc thu phí tại trạm này trong 10 ngày (từ 18 giờ ngày 10/7/2016 đến 18 giờ ngày 20/7/2016).
Kết quả số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày 1,7 tỷ đồng), trong đó ngày cao nhất là 15/7 với số thu đạt hơn 1,9 tỷ đồng, khác xa số thu phí bình quân tại dự án này được báo cáo trước đó là 1,2 tỷ đồng/ngày và giảm vào dịp Tết.
Hơn nữa, tuyến BOT này cũng là điển hình của BOT “nhập nhèm”, đường cũ có sẵn, doanh nghiệp vào chỉ “tráng men” một lớp nhựa và thu phí như cao tốc làm mới.
Điều này khiến địa biểu Quốc hội Dương Trung Quốc phải thốt lên “tuyến BOT Pháp Vân này như cái hộp đen, càng nhìn vào càng thấy tù mù, cần phải công khai số liệu đầu tư thu phí cho người dân biết, thực hiện và giám sát”.
Đối với các tuyến BOT khác, công tác thu phí chỉ được phép khi đã hoàn công, quyết toán, chốt con số đầu tư mới được phép triển khai thu phí. Nhưng tuyến BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ này đã có “ngoại lệ” khi vừa làm vừa thu phí.
Ngoài “nhập nhèm” về tài chính thì thời gian vừa khai thác, vừa thi công đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Điển hình là vụ xe cứu hỏa đâm vào xe khách tháng 3/2018 khiến 6 chiến sĩ trên xe cứu hỏa phải nhập viện, trong đó 3 người bị thương nặng, một người tử vong. 5 người trên xe khách phải nhập viện, gồm cả lái và phụ xe./.
Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 29 km, có tổng mức đầu tư 6.731 tỷ đồng được chia thành hai giai đoạn (giai đoạn 1 mức đầu tư là 1.973 tỷ thực hiện năm 2015 với việc nâng cấp cao tốc 4 làn xe; giai đoạn 2 mức đầu tư 4.757 tỷ đồng mở rộng cao tốc thành 6 làn xe từ năm 2016, hoàn thành vào cuối năm 2017. Thời gian thu phí dự án hoàn vốn là 17 năm 2 tháng.
Cổ đông lớn nhất tại dự án có số vốn điều lệ 823 tỷ đồng này là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (nắm 65% vốn điều lệ, giữ vị trí Tổng giám đốc), hai cổ đông khác là Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành sở hữu 17%, Cienco1 sở hữu 18% vốn điều lệ.
Theo Phi Long (VOV.vn)