Sáng 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội kể từ khi nhậm chức vào tháng 4/2021.
Buổi chất vấn được kết nối trực tuyến để đại biểu Quốc hội ở 63 đoàn có thể đặt câu hỏi. Ngay từ lúc mở đầu, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về sản xuất cung ứng, điều hành giá xăng dầu. Giá mặt hàng này tăng kỷ lục trong những ngày qua, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.
- Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đặt câu hỏi xăng dầu là mặt hàng quan trọng, chiến lược, vấn đề dự trữ được thực hiện ra sao, sắp tới Bộ Công Thương có kiến nghị tăng dự trữ hay không.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đồng tình và cho biết sẽ tham mưu cấp có thẩm quyền, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia, dự phòng lên. Ông tiết lộ thời gian dự trữ, dự phòng xăng dầu hiện nay không lớn, chỉ khoảng 5-7 ngày. Thay vì dự trữ bằng tiền thì sắp tới có thể dự trữ hàng hóa.
Ông Diên cũng cho rằng cần đẩy mạnh năng lực sản xuất xăng đầu của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa khai thác, vừa lọc hóa. Ví như lọc hóa dầu Bình Sơn, nhưng công suất chỉ khoảng 6,5 triệu thùng dầu/năm.
Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp các bên để lọc hóa dầu Nghi Sơn giữ cam kết ban đầu cung cấp 35-40% lượng xăng dầu trong nước như hiện tại.
- Đại biểu Trần Văn Sáu (Đồng Tháp) đặt câu hỏi vì sao giá bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới biển động mạnh, 44-60%, nhưng giá trong nước chỉ tăng 25-40%. "Quá trình điều hành giá xăng dầu như vậy có gì mâu thuẫn, thiệt hại đó do ai gánh chịu? Khả năng giảm giá xăng dầu tới đây thế nào", ông hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói, giá xăng dầu trong nước có giảm hay không sẽ phụ thuộc vào thị trường thế giới. Ông giải thích, giá thế giới và trong nước là "bình thông nhau", nên khi giá thế giới tăng sẽ tác động tới giá trong nước. Tuy nhiên, ở khía cạnh quản lý, liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ sử dụng các công cụ bình ổn để kìm đà tăng giá trong nước thấp hơn thế giới và tăng ở mức "có thể chấp nhận được".
Chẳng hạn, tới giữa tháng 3 giá bình quân thành phẩm trong nước đã tăng 40-60% do những bất ổn địa chính trị, căng thẳng Nga - Ukraine..., nhưng giá bán lẻ trong nước chỉ tăng với biên độ 25-40%. Mức tăng thấp hơn này do chủ yếu sử dụng linh hoạt các công cụ bình ổn giá, như Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Tại nhiều kỳ điều hành, nhà điều hành đã trích 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tuỳ loại. Nếu không trích quỹ này, ông Diên nói, "chúng ta không thể có giá thấp hơn thế giới".
Tuy nhiên, ông Diên thừa nhận Quỹ đang cạn, chỉ còn hơn 600 tỉ đồng và nhiều doanh nghiệp âm quỹ nên đã tham mưu kiến nghị giảm thuế môi trường để góp phần giảm giá và đã được Chính phủ đồng ý, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) và đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) chất vấn về tình hình nguồn cung xăng dầu, giá dầu thế giới tăng cao khiến doanh nghiệp, đại lý không có chiết khấu dẫn đến tình trạng găm hàng, treo biển hết xăng. Đặc biệt giá xăng tăng cao nhất lịch sử làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Trả lời, người đứng đầu ngành công thương cho biết giá xăng dầu thế giới tăng đột biến do đứt gãy nguồn cung ở các nước có sản lượng dầu thô lớn. Điều này làm thị trường xăng dầu thế giới đảo lộn trong thời gian qua.
"Trong khi đó nước ta cũng đang gặp khó khăn do nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất đột ngột xuống 80%, thậm chí có lúc chỉ 55%. Ngay từ tháng 1, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ, các doanh nghiệp đầu mối nhập đủ sản lượng do nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt để đảm bảo nguồn cung", ông nói.
Theo đó, đến giữa tháng 2, Việt Nam đảm bảo đủ nguồn cung hết tháng 3 nhờ lượng hàng tồn và nhập khẩu bổ sung từ 15/3 với khoảng 3 triệu m3 xăng. Hiện tại, bình quân nhu cầu xăng dầu trong nước chỉ khoảng 1,3 triệu m3/tháng. Bộ cũng chỉ đạo các doanh nghiệp nhập khẩu tháng 3 gấp 2 lần bình thường từ 1 triệu m3 trở lên. Do đó, ông Diên cam kết nguồn cung không lúc nào thiếu.
Nói về nguyên nhân các cửa hàng tạm ngừng bán, theo Bộ trưởng, cả nước có 17.000 cây xăng thì Bộ đã kiểm tra 16.800 cây và số vi phạm rất ít, chỉ 211 cửa hàng với nhiều lý do được đưa ra.
“Một số cửa hàng nói không có nguồn cung và điều đó là có thực bởi họ nhận hàng từ Nhà máy Nghi Sơn, mà Nghi Sơn giảm đột ngột thì không có cách nào đủ kịp”, ông Diên lý giải.
- Thế nhưng, không đồng tình với điểm này, ĐB Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng “không chỉ các đại lý găm hàng". “Tôi có hỏi thì họ nói nguồn cung từ cấp trên không rót xuống. Nên găm hàng ở vĩ mô (đầu mối). Xin hỏi Bộ trưởng có hay không”, ĐB Hoà truy.
Tư lệnh ngành Công thương thừa nhận, các đoàn kiểm tra cũng đã truy đến cùng việc thiếu nguồn của cây xăng và hầu hết cây xăng dừng bán có nguồn hàng từ Nhà máy Nghi Sơn.
“Cho nên khi đó Bộ đã chỉ đạo các đầu mối khác chia sẻ nguồn và sau vài ngày thì bán hàng đã ổn định trở lại”, Bộ trưởng trả lời.
Ông Diên cũng thông tin, Bộ đang thanh tra 33 đầu mối lớn kinh doanh xăng dầu và đã có kết quả bước đầu nhưng chưa thể báo cáo cụ thể. “Nhưng nếu đầu mối nào không thực hiện theo đúng nhiệm vụ, quy định thì sẽ xử lý, cao nhất là đình chỉ kinh doanh, rút giấy phép”, Bộ trưởng Diên nói.
PN (Nguoiduatin.vn)