Phát triển không kiểm soát nổi
Chiều 25.1, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã cảnh báo, chỉ đạo trực tiếp các đơn vị quản lý và địa phương cần sớm vào cuộc tái cơ cấu lại ngành hồ tiêu trong nước.
Theo Bộ trưởng, về mặt tích cực, hồ tiêu đã có những đóng góp lớn cho ngành nông nghiệp, nhưng cũng có nhiều vấn đề bất cập sau câu chuyện phát triển thần tốc.
"Để đảm bảo việc giảm diện tích theo lộ trình đến 2030, từ nay đến 2025 sẽ tạm ngừng tái canh hồ tiêu và có thể thay thế một phần diện tích bằng việc bổ sung diện tích trồng xen trong các vườn cà phê”.
Ông Lê Văn Đức
Trước hết, diện tích trồng tiêu tăng chóng mặt đến mức không kiểm soát được. Nông dân cứ có cây giống là trồng. Quy trình kỹ thuật lại không đảm bảo, trồng bất cứ chỗ nào mà không cần biết vùng thổ nhưỡng đó có thích hợp hay không. Vấn đề nghiên cứu khoa học công nghệ và chyển giao chưa tương xứng. Một ngành hàng mang lại tỷ đô mà chưa có giống đạt chuẩn thì quá bất cập.
Hơn nữa, sự phát triển của các doanh nghiệp từ thu mua, chế biến, xuất khẩu không tương xứng với tiềm năng của ngành hàng. Hiệp hội Hồ tiêu đã có những cố gắng, nhưng với năng lực kiểm soát hơn 50% thị trường thế giới mà để rơi vào giai đoạn quá bấp bênh.
Theo Bộ trưởng Cường, ngành hồ tiêu có đặc thù riêng là hạt gia vị. “Không ai ăn mỗi bữa 1 chén tiêu, gia vị thì không cần nhiều nên giá trị từ hồ tiêu sẵn sàng buộc người mua chi trả giá cao. Nhưng ngành tiêu đi quá nhanh, dẫn đến tái cơ cấu còn hạn chế. Tới đây, nếu không sớm thống nhất hành động thì nguy cơ tụt hậu là rất rõ” - Bộ trưởng cảnh báo.
Giảm diện tích trồng tiêu
Giai đoạn 2017 – 2020, diện tích tái canh hồ tiêu dự kiến tăng 10.000ha, bình quân mỗi năm tái canh trên 5.400ha.
Bộ trưởng NNPTNT đề nghị ngành hồ tiêu nhất trí không tăng mà phải giảm diện tích, vì sản xuất là để hiệu quả chứ không phải chạy đua năng suất. Đề nghị các địa phương cùng với các chính sách khuyến nông phải kiên quyết tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, không nên trồng nếu thấy không hợp, tiêu đã chết thì không trồng lại, nhường diện tích cho các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn.
Đối với công tác quản lý nhà nước, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị chỉ đạo của Bộ phải sớm tập trung vào công tác giống, gắn chặt khâu điều hành, nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường. Tăng cường quản lý vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, sớm tổng kết từng tiểu vùng để đánh giá quy trình kỹ thuật. “Cuối cùng là vai trò trong đẩy mạnh liên kết sản xuất, chính quyền địa phương hiểu rõ nhất tình hình địa bàn, Hiệp hội phải động viên các doanh nghiệp, đơn vị quản lý phải tổng huy động các đơn vị liên ngành để cùng vào cuộc” - Bộ trưởng đề nghị.
Trước đó, Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Việt Nam đã đưa ra 3 phương án quy hoạch diện tích hồ tiêu đến các mốc 2020, 2025 và 2030. Theo đó, phương án 1 - tăng trưởng thấp; Việt Nam đáp ứng khoảng 35-40% thị trường thế giới. Phương án 2 - phát triển ở mức trung bình, đáp ứng khoảng 41-45% thị phần thế giới. Phương án 3 là phát triển ở mức cao, đáp ứng 46-50% thị phần như hiện nay. Tương ứng, với phương án 1, diện tích hồ tiêu nước ta duy trì ở mức 70.000 - 80.000ha, phương án 2 là 85.000 - 95.000ha; phương án 3 là 100.000 - 115.000ha.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Trồng trọt, thực tế diện tích hồ tiêu trên thế giới thời gian qua vẫn tăng, đặc biệt ở một số nước như Campuchia, Brazil.
Với lợi thế về năng suất, công nghệ chế biến đang dần được cải thiện, Cục Trồng trọt cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể chi phối và điều tiết được thị trường hồ tiêu thế giới. Mặc khác, việc giảm sâu diện tích so với hiện nay sẽ khó khả thi, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống, việc làm của người sản xuất.
Vì thế, ông Lê Văn Đức - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt đề xuất hồ tiêu trong nước nên duy trì ổn định diện tích từ 100.000 - 120.000ha, năng suất bình quân 2,5 - 2,7 tạ/ha. Đến năm 2025, diện tích là 110.000ha, giữ ổn định đến 2030.
Theo Nguyên Vỹ (Dân Việt)