Tổng cục Thống kê vừa công bố Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2018 tăng 0,51% so với tháng trước, tăng 2,65% so với cùng kỳ.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 10 nhóm hàng tăng giá: Thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,83%; Giao thông tăng 1,17%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,55%; Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,44%; Đồ uống và thuốc lá tăng 0,35%; Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,40%; May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,34%; Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,16%; Văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; Giáo dục tăng 0,03%.
Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,09%.
Tổng cục Thống kê cho rằng tháng 1/2018 là tháng giáp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất nên nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như của các doanh nghiệp, các cơ quan tăng hơn các tháng trước.
CPI tháng 1/2018 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu. Một là, giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng hai đợt vào ngày 4/1/2018 và ngày 19/1/2018 do giá xăng dầu thế giới tăng cao, giá dầu Brent thế giới bình quân đến ngày 25/01/2018 ở mức 69,02 USD/thùng tăng 7,7% so tháng 12 năm 2017, giá xăng A95 tăng 1.100đ/1 lít, giá xăng E5 tăng 430 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 790 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 950 đồng/lít đã tác động làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu bình quân tháng 1/2018 tăng 2,65% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,11%.
Hai là, giá điện sinh hoạt tăng 2,64% do giá điện bình quân được điều chỉnh tăng 6,08% từ ngày 1/12/2017 theo Quyết định số 4495/QĐBCT ngày 30/11/2017 của Bộ Công Thương, đóng góp làm tăng CPI chung 0,06%.
Ba là, giá dịch vụ y tế tăng cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế theo các quyết định của Ủy ban nhân dân 9 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được quy định trong Thông tư số 02/2018/TT-BYT ngày 15/3/2018 của Bộ Y tế làm cho giá dịch vụ y tế tăng 2,34% so với tháng trước đóng góp làm tăng CPI chung 0,09%.
Bốn là,vào tháng cuối năm nhu cầu sửa chữa nhà cửa tăng làm cho giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,35%; giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,38%.
Ngoài ra, giá vé tàu hỏa tăng 6,54% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tăng giá vé vào dịp cuối năm. Riêng giá rau tươi giảm mạnh giảm 2,77% do thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào và nhiều chủng loại.
Giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới, đồng USD yếu hơn một số đồng tiền khác tạo đà tăng cho giá vàng, bình quân đến ngày 25/1/2018 giá vàng thế giới ở mức 1.330,06 USD/oz tăng 4,76% so với tháng trước.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước tăng chậm hơn giá vàng thế giới đã giúp cho chênh lệch giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá vàng thế giới khoảng 100.000 đồng/lượng, bình quân tháng 1/2018 giá vàng tại trong nước tăng 1,69% so với tháng trước, giá vàng dao động quanh mức 3,67 triệu đồng/chỉ vàng SJC.
Sự suy yếu của USD do tác động của việc Chính phủ Mỹ đóng cửa ngừng hoạt động một phần vì Quốc Hội nước này không thông qua đúng hạn dự luật ngân sách, và nhiều khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sớm áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt.
Trong nước, với cách điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với 8 đồng tiền chủ chốt, nên giá đồng USD trong nước ổn định, giá bình quân ở thị trường tự do tháng này ở quanh mức 22.670 VND/USD.
Theo Bạch Dương (VnEconomy.vn)