Hiện có công ty cho vay theo mô hình P2P ở Việt Nam mới thành lập được gần hai năm mà mỗi ngày hiện có khoảng 2.000 đơn xin vay. Trong khi đó, theo khảo sát của PV, tính đến 8 giờ sáng qua, Công ty cho vay ngang hàng Tima đã huy động được tổng số tiền là hơn 45.709 tỉ đồng của 25.051 nhà đầu tư tham gia cho vay.
Đánh giá về mô hình cho vay này, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường đào tạo BIDV, cho biết: Gần đây mô hình cho vay ngang hàng, cho vay trực tuyến, không thông qua trung gian ngân hàng, mà chỉ có đơn vị trung gian là công ty cung cấp nền tảng công nghệ kết nối giữa bên cho vay và đi vay giống như Uber, Grab đã xuất hiện ở Việt Nam.
Trên thế giới, mô hình này cũng đang phát triển rất mạnh. Ở Trung Quốc, dư nợ cho vay ngang hàng tính đến cuối năm ngoái đâu đó vào khoảng 30-40 tỉ USD và có khoảng 6.000 công ty tham gi lĩnh vực cho vay P2P. Tuy nhiên, trước thực trạng biến tướng của hình thức này, hiện nay Trung Quốc đã giảm số lượng công ty kinh doanh P2P xuống con số khoảng 2.000 đơn vị.
Nói về mặt tích cực của mô hình cho vay trực tuyến, ông Lực chia sẻ: Luôn tồn tại nhu cầu có thực trong nền kinh tế là có người cần vay và cũng có người muốn cho vay. Giờ đây, nhờ sự phát triển công nghệ, không cần thông qua các định chế tài chính trung gian, không cần chi nhánh hay trụ sở, số lượng nhân viên giao dịch không nhiều, giúp chi thấp giao dịch vô cùng thấp. Và người cần vay được giải ngân rất nhanh.
Theo nhiều chuyên gia, thách thức lớn nhất là hiện Việt Nam vẫn chưa có cơ sở pháp lý để quản lý lĩnh vực cho vay ngang hàng. Với việc mô hình cho vay ngang hàng sẽ còn phát triển mà lại không có cơ sở pháp lý sẽ rủi ro cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay nhưng về phía nhà đầu tư có nguy cơ gặp rủi ro nhiều hơn.
Cũng chính vì lo sợ gặp rủi ro nhiều hơn nên nhiều nhà đầu tư khi đã bỏ vốn vay thông qua P2P luôn muốn dùng mọi cách để đòi nợ, trong đó có hình thức đòi nợ theo kiểu xã hội đen.
Vậy trong thời gian tới, nhà điều hành cần phải quản lý và phát triển nó như thế nào đang là một vấn đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội.
TS Cấn Văn Lực cho biết: Cho vay ngang hàng về bản chất là quan hệ dân sự, tức là về mặt luật pháp thì đâu đó về pháp lý đã có hình hài rồi. Tuy nhiên, hình thức cho vay này gắn với công nghệ chính là thách thức mới.
Hiện ở Mỹ, họ quản lý cho vay ngang hàng rất khoa học. Thứ nhất, họ giao cho UBCK Mỹ làm đầu mối, thứ hai là họ quản lý rất chặt đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ và đó phải là công ty được cấp phép như là một công ty quản lý đầu tư, nhân viên phải được cấp giấy phép hành nghề.
Đồng thời, Mỹ cũng ban hành quy định để quản lý quyền lợi của nhà đầu tư (người cho vay) đó là phải đưa ra những giới hạn, không cho phép công ty trung gian được phép huy động vốn quá nhiều, giới hạn mức đầu tư của người đầu tư.
Chẳng hạn nhà đầu tư chỉ được cho vay tương đương với thu nhập của mình, nếu họ thu nhập một tháng 20 triệu thì chỉ được phép đầu tư mức tương đương chứ không thể đầu tư gấp nhiều lần thu nhập của mình được. Đây là những kinh nghiệm rất hay mà Việt Nam có thể tham khảo.
Cũng theo ông Lực, trước thực trạng phát triển quá nhanh của mô hình cho vay ngang hàng, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần ban hành cơ sở pháp lý càng sớm càng tốt nhưng chắc chắn là không thể thấy khó quản lý thì cấm được.
Bởi đây là xu thế phát triển của công nghệ và trên thế giới, mô hình này cũng đã phát triển mạnh rồi. Nếu không sớm có khung pháp lý mà cứ để mô hình này hoạt động ngoài vòng pháp luật rồi bung bét thì hệ lụy rủi ro cho xã hội sẽ vô cùng lớn.
Theo Hằng Vương (Thương hiệu & Công luận)