Vay 10 triệu nhưng đến 2 năm vẫn không trả xong
Chia sẻ với báo Pháp luật TP.HCM, bà Thanh Hải 56 tuổi ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ: "Cách đây 2 năm, tôi bị bệnh đau cột sống, phải nằm viện điều trị. Vay người thân, hàng xóm không đủ, chồng tôi đành phải đi vay nặng lãi.
Lúc đầu, cứ nghĩ vay 10 triệu thì cũng sẽ trả hết nợ. Nhưng đến giờ đã gần 2 năm trôi qua, gia đình tôi vẫn còng lưng trả nợ, với lãi suất 7,5%/tháng, tương đương lãi suất lên đến 90%/năm và theo định kỳ cứ 10 ngày phải trả lãi một lần.
Đến thời điểm hiện tại, tính cả gốc và lãi hiện khoản vay của tôi đã lên 28 triệu đồng."
Nhưng không phải cứ cố gắng trả nợ đều đặn là êm xuôi, nếu không trả nợ đúng hạn thì khó mà sống yên ổn. Bởi lẽ những người chủ tín dụng đen không ham hố những khoản lắt nhắt như thế này.
Thế nên cách đây 2 tháng, chủ nợ yêu cầu trả thêm nợ gốc 1 triệu/tháng. Họ nói với cách này vừa nhanh chóng trả dứt nợ, vừa giảm dần số tiền lãi hàng tháng.
"Cả gia đình trông chờ vào quán nước nhỏ nên cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống thường ngày. Có ai muốn dính vào tín dụng đen đâu, nhưng giờ không biết phải thoát ra bằng con đường nào", bà Hải nói.
Tương tự, ông Tùng thế chấp xe máy để vay 25 triệu đồng của anh Đại (quận 9). Vay từ 2016 đến nay, có tháng phải nộp 4 triệu đồng, khi thì 5 triệu đồng... “Nhưng đây mới chỉ là tiền lãi phải đóng hằng tháng chứ chưa trừ vào số tiền gốc đâu”, chủ nợ nói.
Cứ lãi mẹ đẻ lãi con, đóng hoài mà nợ gốc vẫn còn nguyên. Đến thời giờ anh đã vay cả gốc và lãi là 120 triệu.
"Đến hạn chưa trả kịp là khoảng chục kẻ xăm mình, mặc áo quần màu đen, đến dọa giết, chặt tay chân, ban đêm quăng mắm thối vào nhà... Sống khổ sở vì gánh nặng nợ lãi khủng nhưng chưa bao giờ tôi có ý định trốn nợ, bởi nếu người vay trốn nợ thì người thân của mình sẽ lãnh đủ hậu quả”, ông Tùng ngậm ngùi.
Đừng mong thoát nợ
Ai cũng biết lãi vay ngân hàng thấp hơn rất nhiều nhưng vô cùng khó để mở được cánh cửa nhà băng, chính vì thế mà tín dụng đen chưa bao giờ hết đất sống.
Chị Thanh, quận Tân Bình cho biết: "Hiện tôi đang phải gánh khoản vay nóng 100 triệu, lãi suất 84%/năm. Mặc dù biết lãi suất vay ngân hàng chỉ có 11,5%/năm, nhưng khi đến gõ cửa ngân hàng đều bị từ chối vì nhân viên nhà băng cho rằng với mức lương của cả hai vợ chồng là 15 triệu, trừ đi các khoản chi phí như thuê nhà, ăn uống, điện nước, và chăm sóc 2 con nhỏ thì chúng tôi không thể trả được cả nợ gốc và lãi cho khoản vay này trong vòng 1 năm.
Trong trường hợp đó, khoản nợ của tôi có nguy cơ trở thành nợ xấu. Nếu điều đó xảy ra thì không chỉ ảnh hưởng đến chi nhánh ngân hàng đó mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi đua của nhân viên tín dụng."
“Cánh cửa nhà băng quá hẹp, các công ty tài chính thì chỉ cho vay khoảng 40-50 triệu đồng. Trong những thời điểm gấp rút cần tiền mặt mà mọi hy vọng đều bị dập tắt thì chỉ còn tìm đến những người cho vay tiền với lãi suất cắt cổ”, chị Thanh nói.
Anh Tuấn cho biết thêm: Nhà băng với đủ thứ thủ tục giấy tờ vô cùng nhiêu khê, công ty tài chính chỉ đáp ứng khoản vay nhỏ, nhưng chỉ cần một cú điện thoại gọi tới những tờ rơi cho vay tiền dán đầy trên tường, cột điện thì chỉ 30 phút sau có người mang tiền tới nhà, với thủ tục vô cùng đơn giản.
Dù không phải là hình thức kinh doanh hợp pháp, nhưng thị trường “tín dụng đen” vẫn tồn tại từ nhiều năm nay với nhiều loại dịch vụ đa dạng như: cầm đồ ôtô, xe gắn máy các loại, xe mô tô, vàng 18K - 24K – SJC, nữ trang, laptop, ipad, điện thoại, máy ảnh, sổ đỏ… Số tiền cầm cố cũng không giới hạn, từ 100.000 cho đến vài chục tỷ đồng với thời gian giao dịch chỉ từ 5 – 10 phút là người vay có tiền trong tay.
Đặc điểm chung của hình thức vay này là lãi suất cao “cắt cổ”, nghe quảng cáo thì lãi chỉ 2-3%/tháng, nhưng thực tế chỉ đến khi vay, người tiêu dùng mới biết số lãi thực mình phải trả là bao nhiêu. Có nơi, tiền lãi lên đến 200-300%/năm là chuyện bình thường, tức tiền lãi còn cao gấp mấy lần tiền gốc.
Nhiều người vay tín dụng đen do lãi quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con nhưng không có khả năng chi trả đã bị các đối tượng cho vay thuê “xã hội đen” khủng bố đòi nợ.
Luật sư Phạm Chính Tâm cho rằng, pháp luật đã có những quy định rõ ràng và đầy đủ về mặt dân sự cũng như hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động "tín dụng đen" chủ yếu được thực hiện thông qua các giao dịch dân sự, muôn hình vạn trạng nên rất khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, những người khi cần tiền không đủ điều kiện để vay ở ngân hàng nên đành chấp nhận vay "tín dụng đen" với lãi suất cắt cổ. Đây cũng là yếu tố tạo thuận lợi cho thị trường “tín dụng đen” phát triển.
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)