Bị cô lập, đại gia Qatar dùng máy bay chở 4.000 con bò về nước

13/06/2017 17:48:00

Sử dụng 60 chuyến bay để nhập khẩu 4.000 con bò, một doanh nhân Qatar đang gây dựng ngành sữa cho nước này từ con số không trong giai đoạn bị cô lập.

Sử dụng 60 chuyến bay để nhập khẩu 4.000 con bò, một doanh nhân Qatar đang gây dựng ngành sữa cho nước này từ con số không trong giai đoạn bị cô lập.

Mất tới 60 chuyến bay của Qatar Airlines để chuyển toàn bộ số bò nặng trung bình 590 kg một con từ Australiavà Mỹ về Qatar. Doanh nhân Moutaz Al Khayyat, Chủ tịch của Power International Holding, người đứng sau thương vụ mua bò sữa cho hay "đây là lúc để cống hiến cho Qatar".

Có thể nói đây là cuộc không vận bò lớn nhất trong lịch sử loài người.

Bi co lap, dai gia Qatar dung may bay cho 4.000 con bo ve nuoc hinh anh 1

Một doanh nhân Qatar đã nhập 4.000 con bò từ Australia và Mỹ bằng đường hàng không. Ảnh minh họa: Bloomberg.

Cuộc khủng hoảng kéo dài đã khiến Qatar phải mở những đường nhập khẩu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm vật liệu xây dựng và trang thiết bị ngành khí đốt mới. Dù vậy, ngân hàng trung ương nước này cho hay giao dịch trong và ra vào Qatar vẫn diễn ra bình thường.

Các sản phẩm sữa từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu cập bến Qatar, hoa quả và rau từ Iran cũng đang được không vận sang liên tục. Đồng thời, Qatar mở một chiến dịch đẩy mạnh tự sản tự cung. Các gian hàng sữa mang cờ Qatar cùng biểu ngữ "đồng hành ủng hộ sản phẩm nội địa" không khó gặp tại các cửa hàng, siêu thị.

"Đây là một thông điệp mang tính thách thức, rằng chúng tôi không cần họ (4 nước láng giềng cô lập Qatar - PV.)", anh Umm Issa, 40 tuổi, viên chức chính phủ đang mua một hộp sữa nhập từ Thổ Nhĩ Kỳ tại một siêu thị. "Chính phủ của chúng tôi sẽ đảm bảo người dân không bị thiếu thốn và chúng tôi biết ơn vì điều đó. Chúng tôi không hề lo sợ. Sẽ chẳng có ai chết vì đói".

Phần lớn các sản phẩm sữa phục vụ hơn 1 triệu dân thủ đô Doha của Qatar khoảng 1 tuần trước đó vẫn đến từ Ả-rập Saudi. Loại sữa này trở nên khan hiếm sau khi UAE và hai đồng minh cắt đường vận tải vào Qatar, đất nước đang chi 500 triệu USD mỗi tuần để xây sân vận động và tàu điện ngầm phục vụ World Cup 2022.

Al Khayyat, chủ doanh nghiệp xây dựng đã xây TTTM lớn nhất Qatar, đã mở tập đoàn sang lĩnh vực nông nghiệp với trang trại cách Doha 50 km về phía Bắc. An ninh lương thực là một phần chiến lược của chính phủ Qatar để giảm sự phụ thuộc vào kinh tế xuất khẩu dầu khí, hay còn được gọi là chiến lược "tầm nhìn 2030".

Trên diện tích tương đương gần 70 sân bóng đá, trang trại của Al Khayyat hiện sản xuất sữa và thịt cừu. Lên kế hoạch nhập khẩu bò bằng đường biển từ lâu nhưng do Qatar bị cô lập, kế hoạch trở nên khẩn trương hơn.

Bằng việc vận chuyển bò qua đường hàng không, các sản phẩm sữa "made in Qatar" sẽ ra mắt vào cuối tháng 7/2017, sớm hơn so với kế hoạch cũ là tháng 9. Dự kiến tới giữa tháng 7 trang trại của Al Khayyat sẽ đủ sản lượng để phục vụ một phần ba nhu cầu nội địa theo vị này khẳng định. Cơ sở vật chất đã sẵn sàng để phục vụ 4.000 chú bò. Vận chuyển bằng máy bay đã khiến kế hoạch tăng gấp 5 lần chi phí, lên mức 8 triệu USD.

"Sẽ không có người dân Qatar nào cảm nhận được cuộc khủng hoảng đang diễn ra", Al Khayyat cho hay. "Chính phủ đang làm việc hết công suất để đảm bảo không có ảnh hưởng tiêu cực nào đến đời sống người dân".

Theo Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật