Trong nội thành TPHCM ngày nay, nhiều địa điểm bí mật thời chiến đã được công khai.
Đó là các địa điểm có hầm tối và những lối đi bí mật, từng âm thầm chứng kiến hoạt động của các chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Mỗi ngày, hàng trăm, hàng nghìn lượt người hối hả đi ngang các điểm tưởng niệm và bảo tàng, nhưng ít người chậm bước hay dừng lại để tìm biết những gì mà một lớp người anh dũng trước đây từng trải qua.
Quán cà phê Đỗ Phủ - cơm tấm Đại Hàn tại căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1 là một địa điểm như vậy... Quán còn được biết dưới cái tên "Cà phê Biệt động".
Căn nhà gỗ được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước. Trước năm 1975, đây là nơi bán cà phê, cơm tấm của vợ chồng ông Đỗ Miễn và vợ là bà Nguyễn Thị Sự.
"Đỗ Phủ" có nghĩa là phủ (nhà) của họ Đỗ. Còn sở dĩ, quán được đặt tên là cơm tấm Đại Hàn bởi đây là tụ điểm quen thuộc không chỉ đối với cư dân mà còn là nơi tụ tập của binh lính Đại Hàn (lính Hàn Quốc tham chiến trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam) ở cư xá Công Binh gần đó.
Tuy nhiên, khách đến quán ăn giản dị này không thể ngờ rằng địa điểm này thực chất lại được cách mạng dùng làm nơi trú ẩn, giao liên, hội họp, giao nhận thư từ, tài liệu mật, nuôi giấu cán bộ…
Khách đến tham quan hay uống cà phê sẽ thấy những chứng tích của một thời hoạt động cách mạng bí mật nhưng sôi nổi. Nơi đây cũng lưu giữ nhiều bút tích của các vị lãnh đạo đã từng tới thăm.
Ngay cạnh bồn rửa tay ở khu vực bếp có 1 ô gạch để các chiến sĩ giao liên giấu tài liệu. Mỗi tối, bà Nguyễn Thị Sự đem tài liệu lên lầu, sau đó chờ giao lại cho chiến sĩ khác...
Cách không xa quán cà phê Đỗ Phủ là Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định ở 145 Trần Quang Khải, quận 1. Đây là một căn nhà 3 tầng xây dựng từ năm 1963. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, căn nhà này cũng được ông Trần Văn Lai gây dựng, với bề ngoài là cơ sở phục vụ cho công việc làm thầu khoán nội thất, thầu xây dựng cho Dinh Độc lập.
Nhưng đồng thời, căn nhà còn phục vụ và các nhiệm vụ công tác bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn như hội họp, trao đổi thư từ, tài liệu, cung cấp tiền vàng ra chiến khu…
Ngày trước, địa điểm là hiệu vàng lá Phú Xuân - Vĩnh Xuân, có từ 1930. Sau này, đây còn là cơ sở giao liên tình báo, đóng góp tài chính cho biệt động Sài Gòn.
Ở căn nhà này còn nguyên hầm ngầm và hầm đứng chứa tài liệu, tiền vàng và giấu cán bộ Việt Minh cứu quốc từ thời chống Pháp cho đến chống Mỹ.
Hiện nay, điểm di tích này đang trong quá trình phục dựng, nhằm tái hiện một thời kỳ lịch sử của TPHCM.
Một địa điểm lưu giữ ký ức về những người lính biệt động Sài Gòn năm xưa là căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.
Căn nhà này được ông Trần Văn Lai mua lại năm 1966 và sử dụng làm nơi cất giấu vũ khí bí mật và hầm trú ém quân của biệt động Sài Gòn.
Căn hầm phía dưới có kích thước dài hơn 8m, rộng 2m, sâu 2,5m, bên trong có các khung tròn nối với ống thoát nước để thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp.
Sau trận đánh mùa Xuân năm 1968, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì nghi đây là nơi trú ngụ của đội biệt động. Sau này, căn nhà rơi vào tay Mỹ nhưng chúng không biết có hầm vũ khí ở dưới.
Di tích Hầm chứa vũ khí của Biệt động Sài Gòn được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1988.
Ngoài các địa điểm trên, chuỗi di tích về biệt động còn "kéo dài" đến Garage Citroen ở 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10; địa điểm Gió Lộng ở 166/8 Tắc Xuất, thị trấn Cần Thạnh, mặt biển Cần Giờ; biệt thự thi công nội thất dinh Độc Lập với hệ thống hầm ngầm bí mật dưới lòng biệt thự chứa vũ khí và nuôi giấu cán bộ cách mạng hoạt động trong lòng địch trước 1975 tại số 8 Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận...
Tìm về các điểm bảo tàng, di tích biệt động Sài Gòn không chỉ là chuyến đi trở lại khứ mà còn là hành trình khám phá đầy tự hào về một giai đoạn lịch sử của dân tộc. Mỗi câu chuyện, mỗi hiện vật đều khiến chúng ta xúc động và biết ơn những chiến sĩ biệt động đã chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc.
Theo Ngân Anh - Khánh Hòa - Nguyễn Huế - Đào Phương (VietNamNet)