Nông sản Campuchia ồ ạt vào Việt Nam
Theo Bộ NN-PTNT, dù là nước xuất khẩu nông sản lớn, mỗi năm thu về hơn 40 tỷ USD, nhưng Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng nông sản lớn để phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Nhiều năm qua, Mỹ và Trung Quốc là hai thị trường xuất khẩu nông sản nhiều nhất vào Việt Nam.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, 8 tháng năm 2021, Campuchia bất ngờ vượt qua Mỹ, Trung Quốc để trở thành thị trường xuất khẩu nông sản vào Việt Nam lớn nhất, với kim ngạch đạt 2,9 tỷ USD, chiếm 10% thị phần.
Thương vụ Campuchia tại Việt Nam cho biết, trong vòng 8 tháng, các mặt hàng nông sản Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam đều tăng mạnh: thóc đạt hơn 2,38 triệu tấn, tăng gần 86% so với cùng kỳ năm ngoái; hạt tiêu khoảng 24.476 trên tổng số 24.847 tấn xuất khẩu của nước này.
Ngoài ra, Campuchia xuất khẩu 355.550 tấn sắn tươi sang Việt Nam, chiếm 75,7% tổng lượng sắn xuất khẩu. Xoài Campuchia xuất sang Việt Nam lên tới 140.000 tấn, chiếm 86,8% tổng lượng xoài xuất khẩu của quốc gia này.
Các loại nông sản khác như: đậu xanh, ngô, chuối, bưởi,... cũng xuất khẩu sang Việt Nam với số lượng lớn và có chiều hướng tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng năm 2021, lượng điều nhập khẩu của Việt Nam đã vượt 2,03 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 3,05 tỷ USD, giá trung bình 1.499 USD/tấn, tăng 160% về lượng, tăng 207% về kim ngạch và tăng 18% về giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu từ Campuchia gần 1,1 triệu tấn điều, kim ngạch hơn 1,83 tỷ USD, tăng gần 456% về lượng và 632% về kim ngạch.
Với lượng điều nhập khẩu từ Campuchia tăng đột biến, quốc gia này trở thành nhà cung cấp hạt điều lớn nhất cho Việt Nam.
Liệu có bất thường?
Trao đổi với PV. VietNamNet về câu chuyện nông sản Campuchia ồ ạt vào Việt Nam những tháng gần đây, chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân cho biết, từ trước đến nay, Việt Nam vẫn nhập khá nhiều các mặt hàng nông sản của Campuchia như: gạo, sắn, trái cây,... gần đây là hạt điều, hạt tiêu để phục vụ nhu cầu chế biến cũng như tiêu dùng trong nước.
Theo ông Xuân, nông sản Campuchia có ưu điểm là khi canh tác sử dụng rất ít các loại hoá chất bảo vệ thực vật, giống tốt, đất đai màu mỡ nên nông sản không chỉ ngon mà chất lượng còn đảm bảo, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Ví như gạo Campuchia được thị trường Việt ưa chuộng bởi chất lượng thơm ngon, dẻo, giá thành lại rẻ hàng sản phẩm gạo cùng loại của Việt Nam.
Chưa kể, gần đây, người dân và doanh nghiệp Việt có xu hướng sang Campuchia thuê đất nông nghiệp để trồng khoai mì (sắn), trồng chuối, xoài,... Lý do là bởi quỹ đất nông nghiệp của quốc gia này còn rất lớn, giá thuê thấp, chi phí thuê lao động làm việc cũng rẻ hơn so với Việt Nam. Đến khi thu hoạch, những loại nông sản này được đưa trở lại Việt Nam để tiêu thụ. Như vậy, sẽ có lợi hơn về giá thành so với khi thuê đất nông nghiệp ở nước ta để sản xuất.
“Đây cũng là một phần lý do nông sản Campuchia xuất sang Việt Nam tăng mạnh như hiện nay”, ông Xuân chia sẻ.
Về nhập khẩu điều từ Campuchia tăng đột biến, ông Đặng Hoàng Giang - Tổng Thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS), bày tỏ phía Hiệp hội cũng bất ngờ về sự tăng trưởng bất thường này và đang rà soát các doanh nghiệp hội viên. Mới đây, Tổng cục Hải quan có văn bản gửi Cục Hải quan 8 tỉnh phía Nam về việc tăng cường kiểm tra xuất xứ điều thô nhập khẩu từ Campuchia để ngăn chặn hành vi gian lận nhằm hưởng thuế suất ưu đãi.
Thực tế, ngoài Campuchia, các thành viên hiệp hội vẫn nhập khẩu điều, chủ yếu từ các thị trường truyền thống ở châu Phi và sơ bộ ghi nhận, chưa có đơn vị nào có lượng nhập khẩu tăng bất thường.
Theo Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO), Campuchia là quốc gia có sức cạnh tranh mạnh mẽ về nông sản tại khu vực Đông Nam Á. Nông sản ở Campuchia cho năng suất cao và chất lượng ngày càng cải tiến, được nhiều quốc gia ưa chuộng.
Điển hình như hồ tiêu, dù trồng hồ tiêu ở Campuchia ít được thâm canh so với nông dân Việt Nam, nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất của Việt Nam chỉ bằng một nửa quốc gia láng giềng này. Khoảng 95% lượng hồ tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, trong đó Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường mua nhiều nhất.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) từng nhận định, trong trung và dài hạn, ngành hồ tiêu Campuchia sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ khả năng mở rộng diện tích, năng suất cao và quan trọng hơn là quốc gia này có đủ điều kiện sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.
Campuchia đang đẩy mạnh sản xuất nhiều loại nông sản trên quy mô lớn, chất lượng cao để canh tranh mạnh mẽ hơn tại thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Philippines. Do đó, nông sản Campuchia không chỉ ồ ạt sang Việt Nam, mà xuất khẩu sang Trung Quốc và các thị trường khác cũng tăng mạnh.
Theo Tâm An (VietNamNet)