Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân, cục bộ một số nơi, tiểu thương tăng giá nông sản, thực phẩm, rau xanh ở mức vô lý.
Nông sản tăng giá gấp đôi, gấp 3
Mua 2 quả bí xanh với giá 120.000 đồng, chị Nguyễn Diệu Linh (B10, Tổ 7 Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy), chia sẻ: Để giảm bớt số lần đi chợ, chị mua bí xanh để dễ bảo quản. Nhưng không ngờ giá các loại bầu, bí lại tăng "sốc" đến vậy, từ 20.000 đồng/kg đã “nhảy vọt” lên 30.000 - 35.000 đồng/kg.
“Buổi sáng bán với giá 30.000 đồng/kg, nhưng 1 tiếng sau đã nâng lên 35.000 đồng/kg. Tôi mua 2 quả bí xanh mà phải trả tới 120.000 đồng, trong khi phải nghỉ giãn cách không có việc làm, thu nhập bị đứt đoạn. Hầu như giá các loại rau khác cũng tăng chóng mặt: Bắp cải, cà chua, rau cải mơ, cà rốt đều bán đồng giá: 30.000 đồng/kg (giá tăng gấp đôi); các loại rau ăn lá như bồ ngót, mồng tơi, dền, ngọn lang: 10.000-12.000 đồng/kg” – chị Nguyễn Diệu Linh chia sẻ.
Anh Nguyễn Trường Đức – Tòa nhà Mặt trời sông Hồng (165 Thái Hà – Đống Đa-Hà Nội) cũng cho biết, trong khu chung cư cũng có nhiều người bán rau, thịt, nông sản. Từ mấy ngày nay giá đã tăng lên ít nhất khoảng 40-50% do đầu nguồn cung cấp tăng giá. Tăng giá nhiều nhất là các loại củ dễ bảo quản, có thể để được lâu như các loại bầu bí, khoai tây, cà rốt..., giá tăng ít nhất gấp đôi, thậm chí gấp 3.
Theo chị Lê Kim Liên (Ngõ 62 Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) cho biết, chị đã phải mua cà chua với giá 40.000 đồng/kg trong khi trước đây giá chỉ 15.000-20.000 đồng/kg.
Khảo sát của PV Lao Động sáng 3.8.2021, cho thấy: Giá một số nông sản như thịt lợn, rau xanh tại một số nơi tăng cục bộ đến 10.000 đồng/kg. Điều đáng nói là hiện nay, trong khi một số chợ “cóc”, các sạp thực phẩm mini chuyên bán thực phẩm, nông sản tại các khu chung cư đều đóng cửa, thì xuất hiện một số hộ gia đình “tranh thủ” dịch COVID-19 để “làm thêm” và các điểm bán hàng tự phát này bán hàng với giá đắt vô lý.
Giá nông sản tại các chợ đầu mối liên tiếp tăng
Theo chị Trần Thị Hồng – kinh doanh thực phẩm tại ngõ 122 Mai Dịch (Hà Nội), giá nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối đang “leo thang” từng ngày.
“Nếu như 2 ngày trước tôi lấy thịt lợn móc hàm loại ngon với giá 85.000 đồng/kg, thì hôm nay giá đã tăng thêm 10.000 đồng/kg. Thịt lợn loại ngon đã lên đến 90.000-95.000 đồng/kg" - chị Hồng cho biết.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, kinh doanh thịt lợn tại Mê Linh, Hà Nội cũng cho hay, không chỉ thịt lợn, mà giá tất cả các loại thịt gia cầm, rau xanh, củ, trái cây... đều tăng giá từng ngày nhưng vẫn không có đủ hàng để bán bởi sức mua 2 ngày nay tăng vọt.
"Nguồn cung không thiếu, chủ yếu do tâm lý lo lắng nên người tiêu dùng tăng tích trữ" - chị Tuyết nói.
Nông sản dư thừa, người dân đừng lo lắng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), năm 2021, dự kiến sản lượng lúa đạt khoảng 43,3 triệu tấn, sau khi trừ đi số lượng tiêu dùng trong nước (tiêu dùng, chế biến các loại bánh, bún, thực phẩm...; làm thức ăn chăn nuôi; cất trữ lúa giống), ngành lúa gạo còn dư khoảng 6,5 triệu tấn phục vụ cho xuất khẩu.
Về rau xanh, năm 2021 trồng khoảng 995 nghìn hecta, tăng 20 nghìn hecta so với năm 2020, sản lượng 18,5 triệu tấn), trong khi đó, sức tiêu thụ rau xanh trong nước chỉ khoảng 14 triệu tấn.
Bên cạnh đó, nguồn cung nông sản còn khoảng 1,2 triệu lít sữa, 15 tỉ quả trứng, trên 6 triệu tấn thịt gia súc, gia cầm... nên người dân không lo chuyện thiếu lương thực, thực phẩm, rau xanh.
Theo Vũ Long (Nld.com.vn)