Bác sĩ sáng lập chuỗi viện tư lãi 1.700 tỷ trong 3 năm là ai?

25/04/2025 14:47:42

Người sáng lập nên Y khoa Hoàn Mỹ – một trong những hệ thống y tế tư nhân lớn nhất Việt Nam là một bác sĩ với giấc mơ "y tế vị nhân sinh".

Bác sĩ với ước mơ phát triển y tế tư nhân

Trong bức tranh y tế tư nhân Việt Nam, cái tên Nguyễn Hữu Tùng luôn được nhắc đến như một biểu tượng của sự tiên phong và bền bỉ. Ông là người sáng lập hệ thống Y khoa Hoàn Mỹ – Hoàn Mỹ là tập đoàn y khoa tư nhân đầu tiên tại Việt Nam được thành lập từ năm 1997. Tới nay, Y khoa Hoàn Mỹ đã có 14 bệnh viện và nhiều phòng khám trải, trung tâm y khoa ở cả 3 miền.

Bác sĩ sáng lập chuỗi viện tư lãi 1.700 tỷ trong 3 năm là ai?

Nhà sáng lập Y khoa Hoàn Mỹ Nguyễn Hữu Tùng sinh ra tại Quảng Nam. Ông mang trong mình khát vọng thay đổi cách tiếp cận dịch vụ y tế tại Việt Nam. Năm 1997, khi luật pháp về y tế tư nhân còn chưa hoàn thiện, ông đã mạnh dạn mở phòng khám đa khoa Hoàn Mỹ đầu tiên tại TP.HCM. Với tầm nhìn “đáp ứng nhu cầu xã hội”, phòng khám nhanh chóng thu hút đông đảo bệnh nhân nhờ chất lượng dịch vụ và sự tận tâm. Năm 1999, Công ty Cổ phần Y khoa Hoàn Mỹ ra đời, đặt nền móng cho một hệ thống y tế tư nhân trải dài từ miền Trung đến miền Nam.

Theo Forbes, ông từng được nhật báo The Japan Times vinh danh là một trong 100 CEO châu Á xuất sắc nhất năm 2012 và được giới thiệu là doanh nhân phải vượt qua rất nhiều sóng gió để cứu mình thoát khỏi đống nợ khổng lồ bằng thương vụ M&A hữu hiệu với tập đoàn Fortis Healthcare.

Một trong những hoạt động gần nhất của mạng lưới Y khoa Hoàn Mỹ là đưa Bệnh viện quốc tế Vinh trở thành Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh. Cơ sở này có 7 tầng và 500 giường bệnh và mỗi ngày có thể tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân.

Theo công bố thông tin định kỳ gửi tới Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Y khoa Hoàn Mỹ cho biết trong năm 2024, lợi nhuận sau thuế đạt 553 tỷ đồng, giảm gần 13% so với con số 633 tỷ đồng của năm 2023. Như vậy, Y khoa Hoàn Mỹ đã có 3 năm lãi lớn liên tiếp với tổng lợi nhuận sau thuế là 1.669 tỷ đồng.

Thăng trầm trên hành trình khởi nghiệp

Hành trình của bác sĩ Tùng không hề bằng phẳng. Trong giai đoạn đầu, Hoàn Mỹ phát triển mạnh mẽ với 6 bệnh viện, nhưng sự mở rộng nhanh chóng dựa trên vốn vay đã đẩy hệ thống vào tình thế nguy hiểm. Đến năm 2007-2008, khủng hoảng kinh tế toàn cầu cùng lãi suất ngân hàng tăng vọt khiến doanh thu của Hoàn Mỹ không đủ trả lãi vay.

Chia sẻ trên thesaigontimes, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cho biết, lúc này ông nhận ra rằng “việc thiếu hiểu biết, thiếu điều kiện tạo sự chủ động khi đàm phán là sai lầm lớn. Tôi thất bại vì kinh doanh lãng mạn”. Ông muốn nhắn với các nhà điều hành Việt Nam rằng khi đầu tư, nhà kinh doanh cần phải tính toán kỹ và khi đàm phán M&A phải biết bản thân mình là ai, ở đâu, làm gì để chủ động với những cuộc thương thảo.

Bác sĩ sáng lập chuỗi viện tư lãi 1.700 tỷ trong 3 năm là ai? - 1

Năm 2009, bác sĩ Tùng quyết định tìm đối tác đầu tư. VinaCapital và Duxton Asset Management (Deutsche Bank) rót 20 triệu USD, sở hữu 44% cổ phần Hoàn Mỹ. Tuy nhiên, những yêu cầu khắt khe về lợi nhuận và IPO từ các nhà đầu tư đã tạo áp lực lớn. Năm 2011, ông buộc phải bán 65% cổ phần cho Fortis Healthcare (Ấn Độ) với giá 64 triệu USD. Một năm sau, Fortis chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Richard Chandler (Clermont Group) với định giá 100 triệu USD.

Sau khi rời Hoàn Mỹ, bác sĩ Tùng không ngừng nghỉ. Ông thành lập Y khoa Tâm Trí, một hệ thống bệnh viện đa khoa với 4 cơ sở tại TP.HCM, Đồng Tháp, Nha Trang và Đà Nẵng, quy mô 750 giường bệnh. Năm 2018, VinaCapital một lần nữa đặt niềm tin vào ông, rót 25 triệu USD để mở rộng Tâm Trí.

Song song với Tâm Trí, bác sĩ Tùng còn đầu tư vào giáo dục y khoa thông qua Trường Đại học Phan Châu Trinh tại Quảng Nam. Năm 2017 ông mua lại trường đại học Phan Châu Trinh (Điện Bàn, Quảng Nam) với ước mơ đào tạo thế hệ bác sĩ ưu tú cho tương lai. Trường đại học tư thục này đào tạo theo hình thức thực hành, các chuyên ngành đào tạo gồm: y khoa, xét nghiệm, răng hàm mặt, điều dưỡng và cả quản trị bệnh viện. Trường được trang bị các phòng thí nghiệm hiện đại và mô hình giải phẫu nhập từ Mỹ trị giá triệu USD. Năm 2024, lứa sinh viên y khoa đầu tiên của trường tốt nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về lý thuyết, lâm sàng, đạo đức và tiếng Anh.

Bài học từ một người tiên phong

Ở tuổi gần 70, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng vẫn miệt mài với sứ mệnh nâng cao chất lượng y tế Việt Nam. Với phong thái giản dị, ông thường xuất hiện trên chiếc xe máy cũ kỹ, nhưng không ngần ngại đầu tư hàng triệu USD cho các thiết bị y tế tiên tiến. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng từng thừa nhận trong 1 bài phỏng vấn rằng, lối quản trị “lãng mạn” từng khiến ông gặp khó khăn, nhưng những bài học từ Hoàn Mỹ đã giúp ông xây dựng Tâm Trí và Phan Châu Trinh với nền tảng vững chắc hơn.

Thành công của Y khoa Hoàn Mỹ, với lợi nhuận tích lũy gần 1.700 tỷ đồng trong 3 năm (2021-2023), là minh chứng cho tầm nhìn của bác sĩ Tùng. Dù năm 2024 ghi nhận lợi nhuận giảm, hệ thống vẫn duy trì vị thế dẫn đầu nhờ chiến lược mở rộng và chất lượng dịch vụ.

Gần đây, Bệnh viện Quốc tế Vinh chính thức trở thành Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh. Với 7 tầng và 500 giường bệnh, mỗi ngày, Bệnh viện Hoàn Mỹ Vinh có thể tiếp nhận khoảng 1.000 bệnh nhân đến thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa như Sản, Nhi, Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, Phẫu thuật thần kinh và cột sống, Nội soi tiêu hóa, và các chuyên khoa khác...

Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng không chỉ là một doanh nhân mà còn là một nhà giáo dục, một người tiên phong đặt nền móng cho y tế tư nhân Việt Nam. Câu chuyện của ông là bài học về lòng kiên định, sự học hỏi từ thất bại và khát vọng cống hiến cho cộng đồng. Trong bối cảnh người Việt chi hơn 2 tỷ USD mỗi năm cho điều trị ở nước ngoài, những nỗ lực của ông đang góp phần đưa dịch vụ y tế chất lượng cao đến gần hơn với người dân Việt Nam.

Theo Khánh Ngọc (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật