Tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Có hiệu lực từ 1/5/2017, nghị định này nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, điều 8 nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Liên quan đến quy định này, gần đây lại nổi lên nhiều ý kiến tranh luận. Trong đó có ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản là một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ kinh tế. Các công ty thuộc nhóm ngành này thường sẽ hình thành mô hình công ty mẹ con, hay công ty liên kết để triển khai dự án cho tập trung và chuyên nghiệp. Với hai yếu tố này (thiếu vốn, hoạt động mô hình mẹ – con), các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp khó khăn kép với Nghị định 20.
Tuy nhiên, nêu tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và nhiều bộ, ngành về tình hình thị trường bất động sản năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, lành mạnh, bền vững, Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng: Quy định này nhằm mục đích làm tăng tính minh bạch của các giao dịch liên kết, là một công cụ để chống chuyển giá tại nước ta trước hết là trong các tập đoàn kinh tế đa quốc gia và có tác động đối với cả doanh nghiệp trong nước hoạt động theo mô hình "mẹ - con", đa ngành, có nhiều doanh nghiệp liên kết. Chính vì vậy hiệp hội nhất trí với chủ trương này.
Theo HoREA, doanh nghiệp bất động sản đang dựa vào hai nguồn vốn chính là nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng. Nhưng việc phụ thuộc vào đòn bẩy tài chính càng lớn thì độ rủi ro cho doanh nghiệp càng cao và có thể dẫn đến “bong bóng” trên thị trường bất động sản.
“Do vậy, việc thực hiện quy định “trần lãi vay 20%” theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ và lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản của Ngân hàng Nhà nước đã tạo áp lực tích cực, buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các nguồn vốn khác thay thế. Trong đó, có nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, từ các quỹ đầu tư, từ nguồn vốn FDI, từ nội lực của doanh nghiệp kể cả thông qua hợp tác, liên kết...” – HoREA phân tích.
Mới đây, trao đổi tại một cuộc toạ đàm với chủ đề “Thị trường bất động sản Việt Nam 2019: Xu hướng và Cơ hội đầu tư”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cũng cho rằng: Năm 2019, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản và chứng khoán là rất hợp lý.
Theo vị chuyên gia này, với tình hình của nền kinh tế thế giới và Việt Nam, tín dụng cho thị trường bất động sản cũng sẽ ảnh hưởng. Ngoài ra, việc hạn chế huy động vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống còn 40% cũng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản. Những ngày vừa qua, hầu hết ngân hàng đã tăng lãi suất nhằm cơ cấu lại nguồn huy động vốn.
“Ngân hàng Nhà nước đưa công văn yêu cầu các ngân hàng rà soát tín dụng bất động sản để báo cáo cho chính xác. Tín dụng bất động sản chiếm tỷ trọng 7,5% trong ngành ngân hàng. Tôi nghĩ cao hơn nhiều. Năm 2019, việc Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng bất động sản và chứng khoán là rất hợp lý. Các ngân hàng nhà nước và ngân hàng thương mại phải cẩn trọng để tốt cho thị trường bất động sản được thanh lọc” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Theo Hồng Khanh (VietNamnNet)