Ngày 20/12, Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã lần thứ 4 trong năm 2018 tăng lãi suất thêm 0,25%. Theo dự báo mới của FED, dự kiến sẽ còn tăng khoảng 2 lần nữa trong năm 2019 và 1 lần nữa trong năm 2020).
Phân tích về chủ đề này công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) khẳng định không thấy quá nhiều rủi ro đối với lãi suất trong năm 2019, nhất là trong bối cảnh lạm phát đang có xu hướng hạ nhiệt Cuộc họp chính sách tháng 12 của FED đã kết thúc vào rạng sáng ngày 20/12/2018 (theo giờ Việt Nam) với kết quả lãi suất sẽ được tăng thêm 0,25%, lên mức 2,25-2,5%. Liên quan đến sự kiện này, BVSC có một số nhận định nhanh.
Việc tăng lãi suất lần này trên thực tế đã được dự báo từ trước. Điều nhà đầu tư chờ đợi là những thông điệp FED đưa ra sau cuộc họp lần này. Cụ thể, mức dự báo trung vị về lãi suất của FED vào cuối năm 2019 và 2020 lần lượt là 2,9% và 3,1% - thấp hơn so với mức 3,1% và 3,4% trong dự báo của FED hồi tháng 9/2018. Đồng thời, mức lãi suất “trung tính” cũng được FED dự kiến ở mức 2,8% thay cho mức 3% trước đây. Điều này hàm ý mức lãi suất vào cuối chu kỳ tăng của FED có thể còn vượt mức lãi suất trung tính.
BVSC cho rằng những ước tính của FED về các mức lãi suất mới trong thời gian tới có phần kém “nới lỏng” hơn so với bài phát biểu của chủ tịch FED hồi cuối tháng 11 (ông Powell khi đó cho rằng mức lãi suất hiện tại đã ở ngay dưới mức lãi suất “trung tính” (just below the neutral rate), hàm ý lộ trình tăng lãi suất của FED sẽ không còn quá gấp gáp).
Việc FED dự kiến có thể tăng lãi suất lên trên mức trung tính cho thấy sự thận trọng của cơ quan này. Đây cũng có thể là lý do khiến nhà đầu tư có phần thất vọng.
Lý do FED vẫn quyết định tăng lãi suất trong tháng 12 và dự kiến sẽ còn tăng khoảng 2 lần nữa trong năm 2019 và 1 lần nữa trong năm 2020 chủ yếu xuất phát từ thực trạng của kinh tế Mỹ hiện nay (FED đánh giá tăng trưởng của Mỹ hiện là mạnh mẽ (“strong”). Trước cuộc họp, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng đà lao dốc của TTCK Mỹ thời gian gần đây và lạm phát lõi của Mỹ đang cho xu hướng giảm, ở mức dưới mục tiêu 2% có thể là lý do khiến FED xem xét chưa tăng lãi suất trong tháng 12.
Trên thực tế, quan sát từ năm 1980 cho thấy, FED hiếm khi tăng lãi suất trong những giai đoạn TTCK Mỹ giảm điểm mạnh. Tuy nhiên, bằng quyết định tăng lãi suất đêm 20/12, FED cho thấy cơ quan này hiện vẫn chú trọng mục tiêu hạ nhiệt dần nền kinh tế, đưa tăng trưởng của Mỹ về mức tiềm năng, tránh một cú “hạ cánh cứng”.
Mặc dù FED đã đưa ra lộ trình tăng lãi suất trong thời gian tới nhưng các bước đi tiếp theo của FED sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế hàng tháng, hàng quý của Mỹ (data dependent) chứ không nhất thiết phải “cứng nhắc” đi theo lộ trình đã vạch sẵn. Trên cơ sở đó, nếu dự báo của chúng tôi về khả năng kinh tế Mỹ sẽ bước vào pha suy giảm chậm nhất trong nửa đầu năm 2020 là đúng thì đỉnh lãi suất của FED có thể sẽ rơi vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Sau đó, FED có thể sẽ xem xét cắt giảm lãi suất trở lại trong nửa cuối năm 2020 để hỗ trợ nền kinh tế. Thực chất, việc FED liên tiếp tăng lãi suất cũng chính là tạo không gian chính sách (policy space) khi kinh tế Mỹ rơi vào pha suy giảm.
Tuy vậy, chưa có nhiều cơ sở để tin tưởng chắc chắn là dòng tiền đã quay trở lại thị trường mới nổi (Ems) một cách bền vững. Việc các EMs đang chống đỡ tốt hơn so với TTCK Mỹ mang tính ngắn hạn và có thể sẽ sớm kết thúc. Đúng là việc lạm phát giảm (nhờ giá dầu lao dốc) và NHTW tại một số thị trường mới nổi đã tạm dừng tăng lãi suất (Philippines, Indonesia...) là những lý do khiến các thị trường EMs trở nên bớt rủi ro.
Rủi ro của các EMs trong thời gian tới vẫn rất khó lường trong bối cảnh FED vẫn rất kiên định với việc tăng lãi suất và việc kinh tế Trung Quốc lao dốc mạnh hơn dự kiến trong năm 2019 có thể sẽ khiến tăng trưởng của các EMs (các nước xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia...) chịu ảnh hưởng mạnh hơn các dự tính hiện nay. Do vậy, vẫn cần thêm thời gian và dữ liệu để khẳng định về sự hồi phục vững chắc của các EM.
Tỷ giá trung tâm VND/USD cuối năm 2018 đã tăng khoảng 1,5% so với đầu năm, tỷ giá NHTM tăng khoảng 2,8% và tỷ giá thị trường tự do tăng khoảng 3,5% so với đầu năm.Sang năm 2019, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, áp lực lên tỷ giá được giảm thiểu do các yếu tố tác động trong nước và quốc tế đang có chiều hướng thuận lợi hơn so với dự báo. khả năng USD sẽ không tăng nhiều thậm chí có thể suy yếu hơn; Lạm phát trong nước có khả năng kiểm soát khoảng 4% do giá hàng hóa thế giới tăng không lớn, áp lực lên tỷ giá giảm bớt.
Theo Khánh Huyền (Tiền Phong)