Giai đoạn cuối năm, thường các ngân hàng hay có động thái điều chỉnh tăng lãi suất huy động và khuyến mãi để hút khách gửi tiền. Chiều ngày 19/12, một ngân hàng có mạng lưới giao dịch lớn nhất nhóm cổ phần tư nhân là Sacombank đã thông báo tăng mạnh lãi suất.
Khách hàng cá nhân, tổ chức gửi tiết kiệm truyền thống hoặc tiết kiệm đa năng từ 100 triệu đồng với hình thức nhận lãi cuối kỳ sẽ được áp dụng mức lãi suất ưu đãi. Kỳ hạn gửi 2 và 3 tháng lãi suất 5,5% mỗi năm thay vì 5,2% và 5,3% một năm trước đó; kỳ hạn 6 tháng lãi suất lên 7,5% mỗi năm, tăng 1,4% so với trước; kỳ hạn 12 tháng lãi suất 7,7% một năm thay vì 6,9% của mức cũ.
Mức điều chỉnh được Sacombank áp dụng từ nay đến hết ngày 29/12 trong chương trình mừng sinh nhật. Riêng từ nay đến 22/12, ngoài lãi suất cộng thêm, ngân hàng còn tặng quà khi gửi tiết kiệm và giảm 30% phí dịch vụ.
Tương tự, lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân tại VPBank trong tháng 12 cũng tăng mạnh từ 0,1-0,7% so với tháng 11. Mức lãi suất huy động của VPBank thay đổi theo cả kỳ hạn và số tiền gửi với các mức như dưới 100 triệu đồng; từ 100 triệu đến dưới 500 triệu đồng; từ 500 triệu đến dưới 5 tỷ đồng, từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng và từ 10 tỷ đồng trở lên.
Lãi suất cao nhất của VPBank hiện nay là 7,8% mỗi năm (tăng 0,5 điểm % so với tháng 11) áp dụng cho các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng với khoản tiền gửi từ 5 tỷ đồng.
Với số tiền gửi tiết kiệm dưới 100 triệu, tiết kiệm kỳ hạn 1 đến 2 tháng hưởng lãi suất là 5,3% một năm (tăng 0,2% so với tháng 11); 3 đến 5 tháng là 5,3% mỗi năm (tăng 0,1%). Trong khi đó, kỳ hạn 6 đến 11 tháng là 7,2% mỗi năm (tăng 0,7%); 13 đến 15 tháng là 7,4% một năm (tăng 0,3 điểm %); 18 đến 36 tháng là 7,6% mỗi năm (tăng 0,5% so với tháng trước).
Chung xu hướng, đầu tháng 12, ACB tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng 0,1% cho hình thức gửi tiết kiệm thông thường và tăng khoảng 0,2% với khách hàng ưu tiên ở một số kỳ hạn chính. Hiện kỳ hạn 18 tháng có mức lãi suất cao nhất tại khi niêm yết mức 7,2% một năm được áp dụng với số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên.
Cách đây gần một tháng, các ngân hàng lớn có vốn Nhà nước chi phối cũng đã có đợt tăng lãi suất huy động. Với BIDV, các khoản tiền gửi kỳ hạn một tháng và 2 tháng được hưởng lãi suất 4,8% mỗi năm, tăng 0,5% so với mức cũ. Khoản tiền gửi kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8% lên 5,2% một năm, tương đương kỳ hạn 5 tháng.
Trong khi đó, các kỳ hạn từ 6 đến 9 tháng của Vietinbank đã tăng từ mức 5,5-5,7% lên 5,8% một năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,5% lên 6,8% một năm.
Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía Nam cho rằng, về mặt chính sách, chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước và các nhà băng thương mại là cố gắng hạ lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.
Tuy nhiên, ông lý giải, tín dụng cuối năm thường tăng cao, đặc biệt là cho vay ngắn hạn để phục vụ nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp cũng như chi tiêu của cá nhân. Vì vậy, ngân hàng đã tăng lãi suất huy động các kỳ hạn, trong đó đặc biệt là kỳ hạn ngắn để có thêm nguồn vốn. Tuy nhiên, theo vị này, lãi suất tăng chỉ mang tính cục bộ và có yếu tố mùa vụ chứ không thành xu hướng.
Cùng với đó, giới chuyên gia đánh giá rằng, thời điểm này cũng sắp hết thời gian mà các ngân hàng có thể sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn với tỷ lệ 45%. Chỉ 5 ngày nữa tỷ lệ này sẽ rút xuống còn 40%. Có nghĩa là, trong 100 đồng vốn ngắn hạn, ngân hàng thay vì sử dụng 45 đồng như bây giờ chỉ còn được dùng 40 đồng cho vay trung và dài hạn. Do đó, ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng hút nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng tỷ lệ này từ 1/1/2019.
Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cho biết, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư năm 2018 tăng trưởng ổn định so với năm 2017. Vốn huy động ước tăng 15% so với năm trước (năm 2017 tăng 14,6%). Tuy nhiên, tổng tín dụng năm nay chỉ ước tăng khoảng 14-15% (năm 2017 tăng 17,6%) - mức tăng trưởng thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Theo Lệ Chi (VnExpress.net)