Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam mất ưu thế thu hút FDI?

26/02/2023 09:45:10

Việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư tại các quốc gia đang phát triển vốn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế để thu hút FDI.

Đó là  nhận định của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tại hội thảo khoa học "Giải pháp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư trong bối cảnh thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu" tổ chức cuối tuần qua.

Thuế tối thiểu toàn cầu được đưa ra vào ngày 8/10/2021 tại Diễn đàn hợp tác toàn cầu về Chương trình chống xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận (BEPS). Trong đó, Trụ cột 2 quy định về thuế suất thuế tối thiểu toàn cầu (15%) dự kiến áp dụng từ 2024, đang được đặc biệt chú ý.

Nguyên tắc này cho phép nước đầu tư đánh thuế tối thiểu 15% đối với thu nhập được miễn, giảm thuế tại nước nhận đầu tư. Việc đó tác động nhiều chiều đến những nước đang phát triển như Việt Nam, nhất là trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu: Việt Nam mất ưu thế thu hút FDI?
Áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tác động mạnh đến chính sách thu hút FDI của Việt Nam. Ảnh: Samsung

Ông Thomas McClelland, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam, cho rằng, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã là rất rõ ràng và cấp bách, thể hiện rõ nhất trong 2 lĩnh vực.

Đầu tiên là về thuế, trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế. Vì khi đó, các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh, của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Tiếp theo, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng.

"Nếu Việt Nam không có những cải cách hợp lý và kịp thời về chính sách ưu đãi thuế, trong trường hợp các đối thủ cạnh tranh là các quốc gia đang thu hút và nhận đầu tư nước ngoài cân nhắc các biện pháp và chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi để thích ứng với thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam có thể bị bỏ lại phía sau trong việc thu hút đầu tư nước ngoài", ông Thomas McClelland cảnh báo.

Ông Son Won Sik, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), phân tích: Chính phủ Việt Nam đang đưa ra nhiều ưu đãi về thuế hấp dẫn, thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, khi thuế tối thiểu toàn cầu thực thi thì ưu đãi về thuế này không hấp dẫn nữa. Hay nói cách khác, chính sách này sẽ vô hiệu hóa hiệu quả của ưu đãi thuế. 

Chính vì vậy, đại diện Kocham khuyến nghị: Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết.

Một số giải pháp được đại diện Kocham đề xuất là ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư phù hợp với tình hình Việt Nam hiện tại. Điểm mạnh của chính sách này sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

"Hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung", đại diện Kocham gợi ý.

Ông Cấn Văn Lực cho rằng: Việt Nam cần rà soát và thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường đầu tư kinh doanh, lao động có kỹ năng, cơ sở hạ tầng, hệ thống các doanh nghiệp vệ tinh, phụ trợ... Đây vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh, thay vì áp dụng các ưu đãi về thuế.

Theo Lương Bằng (VietNamNet)