Đề xuất mới: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường

23/02/2023 17:43:25

Thời gian qua, tỷ lệ hút thuốc lá, uống rượu bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục tăng Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với 2 mặt hàng này. Cùng với đó, Bộ Tài chính đề xuất thu thuế TTĐB với nhiều mặt hàng mới như đồ uống có đường.

Đề xuất mới: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế TTĐB với đồ uống có đường (ảnh: Báo SK&ĐS).

Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó, nghiên cứu bổ sung áp Thuế TTĐB với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường như: Đồ uống có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng...

Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đồ uống có đường là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thừa cân và béo phì, nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường tăng bùng nổ trong vài thập kỷ qua. Tỷ lệ thừa cân đối với người trưởng thành ở Việt Nam (trên 18 tuổi) ở cả hai giới đã tăng 68% trong giai đoạn 2002 - 2016.

Dẫn số liệu từ Bộ Y tế, Bộ Tài chính cho biết, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong.

WHO đã chính thức khuyến nghị tới Chính phủ các nước để tiến hành nhiều hành động nhằm khuyến khích người dân tiếp cận thức ăn lành mạnh thông qua biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường để định hướng tiêu dùng.

Các nước đã dần bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Các nước thu thuế TTĐB với đồ uống có đường tăng từ 15 quốc gia (năm 2012) lên 50 quốc gia (năm 2021). Trong khu vực ASEAN, có 6 nước đã thu thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.

Theo Quỳnh Nga (Tiền Phong)

Nổi bật