Trước năm học mới, chị Hạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đóng hơn 400.000 tiền sách cho con. Chị không để ý bộ sách gồm những cuốn nào, đâu là SGK, sách bài tập và sách tham khảo.
Gần đây, khi báo chí và dư luận đề cập SGK độc quyền và lãng phí, chị kiểm tra lại mới phát hiện bộ sách mua từ trường gồm 24 cuốn, gấp đôi số lượng SGK theo quy định.
3, 4 cuốn sách cho một môn học
Bộ sách chị Hạnh mua từ trường, ngoài SGK, còn có bài tập Giáo dục Công dân (11.000 đồng), bài tập Tin học (19.000 đồng). Bộ sách không bao gồm các sách bài tập thông thường của các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán, Vật lý... Đa phần là sách của NXB Giáo dục Việt Nam. Một số sách thuộc NXB Hà Nội.
Ngược lại, một số môn lại dùng nhiều hơn một cuốn sách. Trong đó, môn Lịch sử và Địa lý đều cần đến 3 cuốn cho mỗi môn. Trong khi hai cuốn SGK giá khá thấp (Lịch sử giá 4.400 đồng, Địa lý giá 6.700), các cuốn tài liệu bổ trợ lại có giá cao hơn nhiều.
Cụ thể, cuốn Tài liệu Lịch sử Hà Nội giá 22.000 đồng, Bản đồ và tranh ảnh Lịch sử giá 25.000 đồng, Tài liệu Địa lý Hà Nội giá 18.000 đồng và Tập bản đồ Địa lý giá 28.000 đồng.
Những cuốn khác nằm ngoài danh mục SGK cũng có giá không hề thấp: Tiếng Anh tập 1, 2 (43.000 đồng/cuốn), bài tập Tiếng Anh 1, 2 (28.000 đồng/cuốn), Giáo dục An toàn Giao thông (15.000 đồng), Tài liệu chuyên đề giáo dục nề nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội (13.000 đồng), Tin học (26.000 đồng), bài tập Tin học (19.000 đồng).
Với bộ sách này, chị Hạnh chi đến 402.200 đồng dù giá một bộ SGK theo quy định là 97.700 đồng. Điều đáng nói, theo như Nam (con trai chị Hạnh), nhiều cuốn không hoặc ít khi được sử dụng trong quá trình học.
Sau hơn một tháng học, cuốn Tài liệu Lịch sử Hà Nội, Bản đồ và Tranh ảnh Lịch sử, Tài liệu Địa lý Hà Nội, Tập bản đồ Địa lý hay Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội còn mới tinh như chưa qua sử dụng.
Không chỉ tại ngôi trường Nam học, rất nhiều trường ở Hà Nội, phụ huynh chi số tiền gấp 3, 4 lần so với giá một bộ SGK để mua sách cho con từ trường. Chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) chi gần một triệu đồng đồng vào việc mua sách cho hai con lớp 7 và lớp 5.
Cũng như chị Hạnh, chị Vân không nắm được những cuốn nào cần thiết cho việc học của con mà đăng ký mua trọn gói tại trường.
“Trường phát danh sách đăng ký, tôi tin tưởng nên mua qua trường cho chắc chắn. Tôi không kiểm tra lại vì dù sao cũng phải mua nguyên bộ”, chị giải thích lý do mình không nắm được tên đầu sách mà con đang học.
Chiết khấu và hoa hồng lớn, bán nhiều sách
Trên thực tế, không phải cha mẹ học sinh không hiểu được sự vô lý khi nhận bộ sách hơn 20 cuốn, một số môn có đến 3, 4 cuốn. Khi năm học kết thúc, phần lớn trường đều “đề nghị” phụ huynh đăng ký mua SGK tại trường.
Mặc dù trên danh nghĩa tự nguyện, phụ huynh ngầm hiểu tốt nhất nên mua tại trường, vừa có sách, vừa dễ nói chuyện với thầy cô. Như trường hợp chị Vân, ngập ngừng một lúc, chị mới chia sẻ việc không lên tiếng khi thấy bộ sách của con không phù hợp, số lượng sách và giá tiền đều nhiều hơn thông thường.
“Con mình còn học ở trường nên cứ im lặng cho xong chuyện thôi. Nói ra mất lòng giáo viên, con mình lại không được quan tâm chu đáo”, chị Vân chia sẻ.
Nắm được tâm lý này của phụ huynh, hàng năm, các trường đều khuyến khích cha mẹ học sinh đăng ký mua sách cho con thông qua trường. Cũng chính hệ thống "ngành dọc" này được cho là "giúp sức" cho việc tiêu thụ sách tham khảo - "miếng bánh" mang lại lợi nhuận cho NXB Giáo dục Việt Nam.
Đầu năm học 2017-2018, trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) thậm chí yêu cầu phụ huynh “tuyệt đối không mua sách giáo khoa, sách bài tập phục vụ năm học mới cho con em mình ở bất kỳ cửa hàng phát hành sách nào ngoài nhà trường”.
Trả lời báo chí khi đó, lãnh đạo trường nói đó không phải chủ trương của trường mà thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, do trưởng phòng trực tiếp ký.
Chia sẻ với Zing.vn, một phó trưởng phòng GD&ĐT ở Hà Nội cho biết việc mua sách gì đều phải tuân theo văn bản chỉ đạo từ sở.
“Tất cả từ chỉ đạo của sở”, vị phó phòng nhấn mạnh đồng thời từ chối nói rõ vai trò của phòng GD&ĐT trong việc quy định sách.
Trước đó, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục của một tỉnh (xin giấu tên) cho biết thông thường, lãnh đạo phòng chuyên môn tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên của sở GD&ĐT chịu trách nhiệm đề xuất mua sách, tài liệu bổ trợ dành cho học sinh, giáo viên trong tỉnh.
Lãnh đạo các phòng, ban liên quan đề xuất mua sách bổ trợ (đối với học sinh) hoặc tài liệu nâng cao kiến thức chuyên môn (giáo viên) sẽ được nhà xuất bản chi hoa hồng từ 30%-45% giá mỗi đầu sách.
Đây là số tiền không hề nhỏ, lên đến hàng tỷ đồng. Lợi ích đằng sau khiến nhiều lãnh đạo tìm cách đẩy càng nhiều sách đến học sinh càng tốt, thậm chí không quan tâm những cuốn sách đó cần thiết hay không.
Nhờ việc đẩy mạnh tiêu thụ theo hệ thống này, NXB Giáo dục Việt Nam dễ dàng nâng sản lượng sách bài tập, sách tham khảo, mặt hàng thuộc mảng kinh doanh chỉ chiếm 40% tổng doanh thu nhưng mang lại 150 tỷ đồng lợi nhuận, sau khi đã bù lỗ 40 tỷ cho mảng SGK.
Báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hànhSGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây cho biết chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lên đến 250 tỷ đồng/năm.
"Việc phát hành SGK giáo dục phổ thông được thực hiện chủ yếu qua hệ thống nội bộ, khép kín của NXB Giáo dục Việt Nam. Hệ thống phát hành SGK giáo dục phổ thông còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển.
Mức chi chiết khấu SGK giáo dục phổ thông khoảng 250 tỷ đồng năm (tương đương 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa phù hợp cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh", báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu.
Theo Nguyễn Sương (Tri Thức Trực Tuyến)