Bộ GD-ĐT kêu gọi các trường không cho học sinh viết vào SGK

25/09/2018 08:17:08

Thừa nhận chỉ 35% SGK được dùng lại, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành Chỉ thị về việc sử dụng sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Yêu cầu hướng dẫn học sinh cách giữ gìn SGK lâu bền

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, để học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học, Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK, nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn, không được viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Cụ thể, trong các Công văn số 6176/TH ngày 19/7/2002, Công văn số 7590/GDTH ngày 27/8/2004, Công văn số 2372/BGDĐT-GDTr ngày 11/4/2013 của Bộ đều có hướng dẫn sử dụng SGK. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng lại SGK hiện mới đạt khoảng 35%.

Bộ GD-ĐT kêu gọi các trường không cho học sinh viết vào SGK
Năm học 2018-2019 số lượng bản in sách giáo khoa kế hoạch của NXB Giáo dục lên đến 104 triệu bản trong khi số sách cần dùng vào khoảng  số sách cần dùng sẽ vào khoảng 150 triệu cuốn. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Để nâng cao hiệu quả sử dụng SGK, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu Giám đốc các Sở GD-ĐT chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương chỉ đạo giáo viên tiếp tục thực hiện nghiêm hướng dẫn tại các công văn nêu trên; tổ chức quán triệt đến từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK để sử dụng và sử dụng lại lâu bền; hướng dẫn học sinh nghiên cứu SGK để thực hiện các hoạt động học và ghi kết quả học tập vào vở; không viết, vẽ vào SGK.

Bộ GD-ĐT cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7/7/2014 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, khiến cho học sinh phải mua quá nhiều xuất bản phẩm tham khảo nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Các phòng GD-ĐT, trường học cần phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng SGK và xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông; xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Công văn số 6176/TH Hướng dẫn thực hiện mục tiêu, kế hoạch dạy học lớp 1 theo Chương trình và sách giáo khoa mới: “Các trường cần xây dựng tủ sách dùng chung để tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn sách. Sách giáo khoa cần được luân chuyển sử dụng trong nhiều năm”. 

Công văn số 7590/GDTH hướng dẫn giảng dạy các môn học ở lớp 3 cho các vùng, miền và các lớp dạy học 2 buổi/ngày: “Giáo viên căn cứ vào văn bản phân phối chương trình môn Tiếng Việt để thực hiện các bài dạy trong SGK Tiếng Việt 3, hướng dẫn học sinh sử dụng SGK một cách có hiệu quả (tận dụng cả kênh hinhg và kênh chữ) nhằm đạt được các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng của môn học. Cần nhắc nhở học sinh có ý thức giữ gìn (không được viết, vẽ,… vào sách) để sử dụng SGK được lâu bền”.

Báo cáo với Bộ GD-ĐT về chỉnh sửa SGK trước khi tái bản

Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu Tổng Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK hiện hành để có phương án chỉnh sửa bản thảo SGK nhằm hạn chế tối đa việc học sinh ghi vào SGK trong quá trình học tập.

NXB Giáo dục Việt Nam cần báo cáo với Bộ GD-ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án chỉnh sửa bản thảo SGK trước khi tái bản.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học và thủ tưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ GD-ĐT chủ động nắm tình hình và xây dựng kế hoạch chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị này ở các địa phương. Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT hướng đẫn, chỉ đạo thanh tra giáo dục các cấp tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Chỉ thị này.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thừa nhận do đặc thù của môn học, ngoài các câu hỏi, bài tập truyền thống, một số SGK, nhất là sách Toán 1, tiếng Anh, có dạng bài tập trắc nghiệm, điền vào chỗ chấm hoặc ô trống, lựa chọn đúng/sai, nối, khoanh, vẽ, đánh dấu, tô màu... SGK Toán của các nước tiên tiến cũng thiết kế dạng bài học với hình thức như trên. Tuy nhiên, cách làm này làm nảy sinh tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, gây lãng phí như phản ánh của dư luận.

Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng sắp tới, Bộ GD-ĐT cần có hành động quyết liệt hơn, xem xét cụ thể SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới cần khắc phục bất cập gì, “một chương trình, nhiều bộ SGK” cần có cơ chế rõ ràng ra sao.

Từ phía lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định khi biên soạn SGK theo chương trình Giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT sẽ quán triệt các nhà xuất bản tham gia biên soạn SGK và các Hội đồng thẩm định quốc gia về vấn đề này để khắc phục tình trạng học sinh viết vào SGK, tránh lãng phí như hiện nay.

Theo L.Sơn (Báo Tin Tức)