Khoản tài trợ này là nhằm thực hiện Dự án Phát triển đô thị Xanh loại hai (Thành phố xanh) nhằm giúp các đô thị này trở nên đáng sống hơn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nếu dự án được thực hiện, có khoảng 116.000 hộ gia đình tại các thành phố Huế, Vĩnh Yên và Hà Giang sẽ được hưởng lợi.
Theo đó, đối với thành phố Vĩnh Yên thuộc Vĩnh Phúc, dự án sẽ xây dựng một hệ thống xử lý nước thải mới, nâng cấp 66,1 km cống thoát nước, nạo vét Đầm Vạc, và xây dựng 44,5ha không gian xanh công cộng mới.
Tại Huế, dự án sẽ nâng cấp 21,9km đường ống thoát nước, cải tạo 15,9km mặt đường và cống thoát nước, và xây dựng 17,2ha không gian xanh, cùng với các hạng mục khác.
Ở Hà Giang, dự án sẽ cải tạo khoảng 7km cống thoát nước đô thị, gia cố 5,6 km kè bờ sông, và tăng cường mạng lưới đường đô thị với 6,2km đường và một cây cầu dài 150 mét để giúp phân luồng giao thông.
Ông Satoshi Ishi, chuyên gia chính về phát triển đô thị của ADB, cho biết đô thị hóa đã có tác động tích cực tới tăng trưởng của Việt Nam.
Song rất nhiều thành phố, cho dù là trung tâm của các hoạt động kinh tế, vẫn thiếu các dịch vụ hạ tầng đô thị cơ bản và dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, nhất là lũ lụt.
"Chúng tôi mong được làm việc với UBND các tỉnh Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc và Hà Giang, cơ quan quản lý hành chính của các thành phố Huế, Vĩnh Yên và Hà Giang, để bảo đảm rằng các trung tâm tỉnh lỵ của họ sẽ xanh và thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường năng lực cạnh tranh kinh tế", báo cáo của ADB trích dẫn ý kiến ông Satoshi Ishi.
Báo cáo của ADB cũng cho biết có hơn 30 triệu người sống tại các đô thị Việt Nam nhưng tác động của đô thị hóa là không đồng đều trên khắp đất nước.
Không giống như Hà Nội và những đô thị phát triển khác, các đô thị loại hai với dân số từ 50.000 tới 300.000 người như Huế ở miền Trung, Vĩnh Yên và Hà Giang ở miền Bắc có sự phát triển chậm hơn.
Chẳng hạn, theo ADB, chưa đầy 60% số hộ gia đình ở các đô thị loại hai được tiếp cận nước sạch, và chỉ 10% nước thải được xử lý đúng cách.
Bên cạnh các khoản vay, ADB cũng sẽ triển khai hỗ trợ kỹ thuật với tổng số vốn là 14,1 triệu USD cùng với Bộ Tài nguyên - Môi trường và đầu tư viện trợ không hoàn lại trị giá 6 triệu USD từ Quỹ Môi trường Toàn cầu và Quỹ Tín thác ứng phó biến đổi khí hậu đô thị.
Tính 1993-2015, ADB đã hỗ trợ và cho Việt Nam vay khoảng 15,2 tỉ USD, trong đó, các lĩnh vực chiếm tỷ lệ lớn nhất là giao thông và thông tin liên lạc (33,5%), năng lượng (17,8%) và quản lý khu vực công (10,7%).
Trong giai đoạn 2017-2019 ADB đề xuất cho Việt Nam vay 4,3 tỉ USD từ nguồn cho vay ưu đãi và nguồn cho vay thông thường của định chế này.
Theo đó, ADB sẽ duy trì mức cho vay chính phủ khoảng 1 tỉ USD mỗi năm, hỗ trợ kỹ thuật và viện trợ không hoàn lại khoảng 5 - 7 triệu USD mỗi năm và đồng tài trợ từ các đối tác phát triển và các quỹ khí hậu khoảng 1,4 tỉ USD.
Theo N.Bình (Tuổi Trẻ)