Tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang tăng nhanh và sẽ gấp đôi trong thời gian tới. Đây là một trong động lực lớn để nền kinh tế phát triển nhanh ở top đầu khu vực. Tuy nhiên, nguy cơ cũng còn rất nhiều.
Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADB) 2017 dự báo nền kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng 6,5% và 2018 là 6,7% nhờ sự gia tăng hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, xây dựng, thương mại bán buôn và bán lẻ, ngân hàng và du lịch.
Dự báo này cao hơn mức 6,4% mà ANZ và Deutsche Bank đã rất cẩn trọng đưa ra cho năm 2017.
Tốc độ tăng trưởng mà ADB dự báo cũng cao hơn khá nhiều so với con số 6,2% Việt Nam đạt được năm 2016 và trái ngược xu hướng suy giảm của khu vực châu Á (dự báo giảm xuống 5,7% vào năm 2017 và 2018, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2001).
Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn. |
Một yếu tố mới được ADB đề cập đến là số lượng người giàu Việt tăng nhanh - động lực lớn đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Theo ADB, tầng lớp trung lưu của Việt Nam dự báo sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, lên 33 triệu người vào năm 2030, giúp gia tăng tiêu dùng cá nhân và thúc đẩy thương mại bán lẻ.
Trước đó, theo báo cáo Thịnh vượng 2017 (Wealth Report 2017) của Knight Frank, Việt Nam tiếp tục là một trong số các quốc gia có số người siêu giàu tăng nhanh nhất thế giới. Năm 2016, Việt Nam có 200 người siêu giàu (mỗi người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên). Trong vòng một thập kỷ tới, Việt Nam sẽ có 540 người siêu giàu.
Hàng loạt các tỷ phú Việt, đại gia Việt xuất hiện gắn liền với các tập đoàn lớn trong vài năm gần đây đã mang lại một diện mạo khá mới cho nền kinh tế, từ những khu đô thị mới cao tầng, khu nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới, khu vui chơi hoành tráng cho tới cả những hãng hàng không tư nhân,...
Quốc gia nông nghiệp: Cải cách là then chốt
Theo báo cáo của ADB, những mức kỷ lục được duy trì trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ thúc đẩy ngành chế tạo trong nước, đồng thời giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu của Việt Nam.
Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và siêu giàu góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng. |
Báo cáo cũng nhấn mạnh, do Việt Nam đang phục hồi sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thập niên, việc thúc đẩy tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ có tầm quan trọng sống còn để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao.
Theo ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, nông nghiệp đã luôn là một động lực quan trọng của tăng trưởng, giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu. Tuy nhiên, những năm gần đây, trước sức ép cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng và năng suất lao động trong nước thấp, tăng trưởng của khu vực này đã chậm lại, chỉ khoảng 2%/năm kể từ năm 2011.
Sản lượng nông nghiệp bình quân trên mỗi lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1/3 Indonesia và chưa bằng một nửa so với Thái Lan và Philippines.
“Trong khi Việt Nam tiếp tục khắc phục những tác động ngày càng xấu của biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp, các cải cách sâu rộng và nguồn vốn đầu tư lớn hơn cho lĩnh vực này sẽ đóng vai trò then chốt để tăng năng suất nông nghiệp và bảo đảm tăng trưởng đồng đều, bền vững”, ông Sidgwick nói thêm.
Theo ADB, việc tích tụ ruộng đất không chỉ là vấn đề kinh tế mà là cả vấn đề xã hội. Vì vậy, cần có thời gian để người nông dân thay đổi tư duy, từ việc dồn điền đổi thửa ra sao đến việc trồng cây gì cho hiệu quả. Tích tụ ruộng đất để nông dân được hưởng lợi nhiều nhất.
Nông nghiệp Việt Nam vẫn khá mạnh mún và cần các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn. |
Tăng trưởng dịch vụ vốn khá mạnh trong năm 2016, được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng này trong năm 2017 và 2018. Lượng khách du lịch sẽ tiếp tục gia tăng.
Về phía cầu, tiêu dùng tư nhân được dự báo sẽ tăng mạnh. Triển vọng đầu tư tư nhân cũng tỏ ra sáng sủa. Cải cách thực tiễn kinh doanh đã giúp Việt Nam cải thiện vị thế trong xếp hạng môi trường kinh doanh của WB.
Áp lực nợ công buộc chính phủ phải đặt ra các chỉ tiêu tham vọng về bội chi ngân sách, kiềm chế mức thâm hụt tương đương 3,5% GDP trong năm 2017 và giữ ở mức 4% năm 2018. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách sẽ được cắt giảm chủ yếu nhờ vào nguồn thu tăng lên từ việc cổ phần hoá các DNNN.
Ở chiều ngược lại, theo ADB, Việt Nam có khả năng bị tổn thương trong khu vực tài chính. Tiến độ tái cấu trúc ngân hàng và xử lý nợ xấu chậm hơn mong đợi, làm cho các ngân hàng đứng trước các nghĩa vụ nợ tiềm ẩn lớn.
Một nguy cơ khác đối với là khả năng cầu thế giới đột ngột yếu đi. Tốc độ tăng trưởng sụt giảm của nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài ra, nếu tình hình tài chính toàn cầu có biến động xấu cũng ảnh hưởng lan toả đến thị trường trong nước, ngay cả khi thị trường vốn của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn mở cửa.
ADB cũng cảnh báo Việt Nam, để tránh thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc, cần nhìn vào chi phí công nghệ trong toàn vòng đời chứ không chỉ lợi ích khi nhập vào. Nếu công nghệ nhập khẩu có giá cao nhưng cho hiệu suất cao hơn, vòng đời dài hơn sẽ là hợp lý, bởi vì rẻ chưa hẳn đã tốt.
Theo V. Hà (VietNamNet)