Báo cáo vừa công bố của Ngân hàng Phát triển châu Á đã giảm dự báo kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017 và 6,5% trong năm 2018 (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây).
Ảnh minh họa. |
Nhận định trên được đưa ra trong Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa được công bố tại buổi họp báo sáng 26/9.
Theo ADB, GDP Việt Năm tăng 5,7% trong 6 tháng đầu năm 2017, nhỉnh hơn một chút so với tháng đầu năm 2016. Mặc dù nông nghiệp và dịch vụ tăng trưởng tốt hơn, song tăng trưởng ngành xây dựng lại giảm nhẹ và khai khoáng cũng sụt giảm trong nửa đầu năm.
Trong 6 tháng cuối năm, ADB cho rằng tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn có khả năng duy trì khá tốt. Tuy nhiên hoạt động của ngành khai thác khoáng sản tiếp tục giảm sút (giảm tới 8% trong nửa đầu năm nay) sẽ ảnh hưởng đến kết quả tăng trưởng.
Do vậy ADB đã giảm dự báo kinh tế Việt Nam xuống còn 6,3% cho năm 2017 và 6,5% trong năm 2018 (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đây).
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, bất chấp sự sụt giảm sản lượng khai khoáng và dầu thô, nền kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2017 tiếp tục đạt khả quan, được thúc đẩy bởi hai động lực chính, đó là xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa.
"Công nghiệp chế biến, chế tạo đã tăng trưởng 10,5% trong nửa đầu năm do các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đẩy mạnh sản xuất. Trong khi khu vực dịch vụ tiếp tục tăng nhờ sự gia tăng hoạt động bán lẻ, mở rộng cho vay của ngân hàng, cũng như mức tăng 30% số du khách tới Việt Nam", ông Eric Sidgwick nói.
"Nếu mà sản lượng khai thác khoáng sản được khôi phục thì mức tăng trưởng có thể sẽ tăng hơn mức dự báo 6,3% vừa đưa ra của ADB", đại diện của ADB nhận định.
Ngoài ra, theo đại diện ADB, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng được kỳ vọng nâng lên nửa cuối năm 2017 nhờ sự gia tăng hơn nữa của vốn FDI, tăng trưởng tín dụng trong nước và sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nông nghiệp sau đợt hạn hán năm 2016.
Lạm phát dự báo sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Theo ADB, kế hoạch tăng giá và dịch vụ giáp dục y tế sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát, bên cạnh đó thông báo tăng lương tối thiểu 6,5% có hiệu lực từ năm 2018 cũng có tác động nhất định lên lạm phát.
Trong cả năm 2017, lạm phát trung bình dự kiến đạt 4,5% , tiếp tục tăng lên 5,5% ytrong năm 2018, đều cao hơn một điểm phần trăm so với dự báo ADB đưa ra hồi tháng 4 năm nay.
Theo N.Mạnh (Bizlive.vn)