Ác mộng nghỉ hưu của Jack Ma: Alibaba chính thức mất ngôi vua TMĐT, tình hình nghiêm trọng tới mức tỷ phú phải ra mặt kêu gọi 220.000 nhân viên 'sửa sai'

03/12/2023 11:12:54

Jack Ma bất lực đứng nhìn Alibaba bị mất ngôi vua TMĐT vào tay 1 công ty 8 năm tuổi.

Tờ Bloomberg đưa tin, Alibaba đã mất vị trí công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc vào tay công ty mới nổi PDD mới 8 năm tuổi. Đây là một bước ngoặt đối với ngành công nghiệp internet khi mà Alibaba của Jack Ma vốn đã thống trị trong hơn một thập kỷ.

PDD Holdings là công ty nổi tiếng với ứng dụng mua sắm đình đám Temu và là người tiên phong trong lĩnh vực mua bán hàng giá rẻ trong nước với ứng dụng Pinduoduo. Trong phiên giao dịch ngày thứ 5 tuần này, cổ phiếu công ty đã tăng 4% trong phiên giao dịch tại Mỹ, đạt giá trị thị trường gần 196 tỷ USD. Con số này vượt xa khoảng 190 tỷ USD của Alibaba vào thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ở New York.

Sự thay đổi tình thế khó tin kể trên phản ánh tình trạng hỗn loạn đã nhấn chìm Alibaba sau khi Bắc Kinh nhắm mục tiêu vào công ty và người đồng sáng lập Jack Ma. Tình huống hiện tại cũng báo hiệu sự trỗi dậy của một thế hệ các công ty mới nổi từ PDD đến ByteDance - những cái tên đình đám đang phá vỡ nhiều lĩnh vực từ truyền thông xã hội đến thương mại điện tử truyền thống.

Thứ 4 tuần này, tỷ phú, đồng sáng lập Alibaba Jack Ma đã khiến các nhân viên choáng váng khi bình luận trong 1 bài viết trên diễn đàn nội bộ để ca ngợi PDD và khuyến khích hơn 220.000 nhân viên của công ty ông "sửa sai" và lấy lại động lực. Đối với nhiều nhà quan sát, lời kêu gọi kể trên của Jack Ma - sau ba năm hầu như im lặng - đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình hình.

Vey-Sern Ling, giám đốc điều hành tại Union Bancaire Privee cho biết: "Nhìn lại, bạn có thể nói rằng Alibaba đang ngủ quên trên chiến thắng vì họ đã có rất nhiều khởi đầu thuận lợi nhưng lại không thực hiện hoặc đổi mới nhanh chóng. Khi phong trào chống độc quyền xuất hiện và Alibaba không thể sử dụng quy mô của mình để buộc các thương gia đến với nền tảng của mình, họ trở nên lúng túng".

Điều đáng nói là Alibaba từng là ứng cử viên sáng giá nhất của Trung Quốc để trở thành công ty nghìn tỷ USD. Giờ đây, cổ phiếu của họ đang giao dịch ở mức thấp nhất trong năm nay, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đỉnh điểm vào năm 2020. Công ty đang phải đối mặt với những biến động cả bên trong lẫn bên ngoài, khi nền kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu hơn dự đoán và PDD làm suy yếu hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến thống trị một thời của họ.

Bản thân công ty đã phải chịu đựng nhiều biến động, bắt đầu bằng việc công bố kế hoạch chia tập đoàn thành sáu phần nhỏ hơn. Giám đốc điều hành khi đó là Daniel Zhang từ chức và công ty đã mời hai người cánh tay phải lâu năm của Jack Ma là Joseph Tsai và Eddie Wu để điều hành tập đoàn. Nhiều tháng sau, cặp đôi này thông báo rằng họ sẽ gác lại kế hoạch chia tách rất được mong đợi và niêm yết chi nhánh điện đám mây trị giá 11 tỷ USD của mình. Điều đó khiến nhiều người đặt câu hỏi về hướng đi của công ty.

Mặt khác, PDD đã thu hút các nhà đầu tư bằng sự kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng ấn tượng và khả năng mở rộng mạnh mẽ trên toàn cầu.

Tuần này, cổ phiếu công ty do tỷ phú Colin Huang thành lập đã tăng 18% sau khi báo cáo doanh thu tăng gấp đôi, cao hơn dự đoán, nhờ sự thành công của Temu cũng như sự gia tăng thâm nhập thị trường nội địa.

Sự tăng trưởng của PDD vượt xa Alibaba, nhấn mạnh việc cách công ty này sử dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng muốn mua hàng giá rẻ vào thời điểm kinh tế bất ổn. Goldman Sachs ước tính trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân vừa kết thúc, PDD có thể đã đạt mức tăng trưởng 20% về giao dịch so với mức tăng một chữ số của các đối thủ.

Một phần của thành công vượt bậc đó bắt nguồn từ Temu, ứng dụng mới chỉ trong hơn một năm đã vượt qua Shein về doanh số bán hàng và hiện được coi là một trong những thế lực đột phá hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử toàn cầu. Temu áp dụng cùng một chiến lược giảm giá được áp dụng bởi Shein cũng như Pinduoduo của PDD và hiện đã mở rộng sang nhiều quốc gia.

Ngược lại, Alibaba lần đầu tiên khám phá thị trường nước ngoài với AliExpress và sau đó là các công ty con quốc tế như Lazada và Trendyol. Nhưng cho đến nay, mảng kinh doanh ở Trung Quốc vẫn là đơn vị đóng góp doanh thu lớn nhất bất chấp nhiều năm nỗ lực mở rộng ra quốc tế.

"Người ta có thể lập luận rằng Alibaba đã có cơ hội nhưng không tận dụng được", Ling nói. "Nhưng trong những quý gần đây, thực tế hoạt động kinh doanh quốc tế của Alibaba cũng phát triển rất nhanh nên tôi nghĩ họ đang tăng cường nỗ lực ở mảng đó".

Theo Phương Linh (An Ninh Tiền Tệ)