Cú vạ miệng trị giá 877 tỷ USD của Jack Ma: Bài học nhớ đời cho những tỷ phú coi mình là ‘bất khả xâm phạm’

11/07/2023 15:26:53

Jack Ma đã khiến Trung Quốc thực hiện điều chưa từng diễn ra trong lịch sử kinh tế nước này.

Cú vạ miệng trị giá 877 tỷ USD của Jack Ma: Bài học nhớ đời cho những tỷ phú coi mình là ‘bất khả xâm phạm’

Hãng tin CNN cho biết mới đây tập đoàn Ant Group đã tuyên bố kế hoạch mua lại cổ phiếu với tổng giá trị 78,5 tỷ USD, tức thấp hơn 230 tỷ USD, tương ứng 75% so với thời kỳ đỉnh cao cách đây 3 năm khi doanh nghiệp này chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Tập đoàn này được sáng lập bởi Jack Ma, người đã tạo nên đế chế Alibaba ngày nay và Ant Group từng được kỳ vọng sẽ giúp Alibaba bùng nổ hơn nữa.

Thế nhưng chỉ vì một bài diễn văn vạ miệng mà Jack Ma đã đạp đổ tất cả. Tính toán của CNN cho thấy tổng mức vốn hóa thị trường của cả Alibaba và Ant đã bốc hơi 877 tỷ USD kể từ mức đỉnh cuối tháng 10/2020, trước khi Jack Ma có bài diễn văn chỉ trích các nhà hoạch định chính sách tài chính ở Trung Quốc.

Cú vạ miệng trị giá 877 tỷ USD của Jack Ma: Bài học nhớ đời cho những tỷ phú coi mình là ‘bất khả xâm phạm’ - 1

Theo CNN, những lời vạ miệng của Jack Ma đã tạo nên làn sóng chấn chỉnh toàn ngành công nghệ tại Trung Quốc, điều lần đầu tiên diễn ra trong lịch sử kinh tế nước này, ảnh hưởng đến cả những ông lớn khác như Tencent, Didi hay Meituan.

Hàng loạt những chính sách như các mức phạt vì vi phạm luật cạnh tranh hay loại các ứng dụng khỏi chợ ứng dụng vì lý do an ninh liên tiếp được đưa ra nhắm vào những ông lớn ngành công nghệ (Big Tech).

Tuy nhiên với mức phạt khổng lồ lên tới 7,1 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 984 triệu USD mới đây dành cho Ant, nhiều chuyên gia kỳ vọng đợt chấn chỉnh này của Trung Quốc sẽ đi đến hồi kết để các doanh nghiệp tìm đường làm ăn.

Theo hãng Jefferies, án phạt này cho thấy “con dao treo trên đầu” các doanh nghiệp Trung Quốc đã chính thức hạ xuống, qua đó khiến các cổ phiếu Big Tech tại Trung Quốc trở nên đáng tin hơn trong mắt nhà đầu tư so với trước đây.

Sau quyết định mua lại cổ phiếu của Ant, hiện tập đoàn Alibaba cũng đang xem xét động thái tương tự để vực dậy niềm tin từ nhà đầu tư.

Ngay sau những thông tin trên, giá cổ phiếu của Alibaba đã tăng 3,2% còn Tencent tăng 0,7%.

Đi vào lòng đất

Việc Trung Quốc “tuyên án phạt” Alibaba khiến nhiều chuyên gia phân tích kỳ vọng thương vụ IPO của Ant sẽ quay trở lại.

Kế hoạch này đã bị hủy vào tháng 11/2020 ngay trước khi công ty được định giá hơn 310 tỷ USD này này bắt đầu niêm yết trên sàn Hong Kong và Thượng Hải. Hai đợt niêm yết với mục tiêu gọi vốn 34,4 tỷ USD, này được kỳ vọng trở thành đợt phát hành lớn nhất lịch sử chứng khoán thế giới, vượt qua kỷ lục trước đó của Saudi Aramco.

Tuy nhiên mọi thứ đã đổ bể khi nhà sáng lập Jack Ma bất ngờ có bài diễn văn công kích tại Thượng Hải. cho rằng các nhà hoạch định chính sách tài chính không đủ “đổi mới” và phương thức của họ không phù hợp với nền kinh tế Trung Quốc hiện nay.

Cú vạ miệng trị giá 877 tỷ USD của Jack Ma: Bài học nhớ đời cho những tỷ phú coi mình là ‘bất khả xâm phạm’ - 2

Theo Jack Ma, Trung Quốc không có một hệ thống tài chính khỏe mạnh và thứ họ cần không phải là kiểm soát các rủi ro mà là đổi mới đủ nhanh để các tập đoàn công nghệ tài chính có thể giúp lượng lớn người dân nghèo và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn, điều khó có thể thực hiện với các ngân hàng truyền thống.

“Trung Quốc không có rủi ro hệ thống tài chính vì đơn giản là chẳng có hệ thống tài chính nào cả”, Jack Ma nói thẳng.

Đáng ngạc nhiên hơn, nhà sáng lập Alibaba còn công khai chỉ trích các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc chẳng khác gì những “tiệm cầm đồ”, chẳng giúp đỡ gì cho những công ty đang đói vốn.

Chỉ vài ngày sau bài diễn văn trên, Jack Ma đã được các cơ quan chức năng mời đến Bắc Kinh gặp mặt. Vài ngày sau nữa thì kế hoạch niêm yết của Ant bị hủy bỏ.

Biến mất rồi hồi sinh

Sau vụ việc trên, chính quyền Bắc Kinh bắt đầu chấn chỉnh Alibaba cũng như toàn ngành công nghệ. Bản thân tỷ phú Jack Ma cũng đã phải rút lui khỏi các hoạt động kinh doanh của tập đoàn cũng như biến mất khỏi tầm mắt công chúng.

Làn sóng chấn chỉnh này thậm chí đã lan ra toàn bộ mọi mặt của nền kinh tế Trung Quốc, từ sản xuất game cho đến giải trí, giáo dục hay bất động sản. Hàng loạt những tỷ phú và đế chế được cho là ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc, được coi là “quá lớn để phá bỏ” (Too Big To Fail) bị kiểm soát hay thậm chí để mặc cho phá sản.

Ví dụ điển hình nhất có lẽ là Evergrande, một trong những tập đoàn bất động sản lớn nhất Trung Quốc và ai cũng nghĩ rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ cứu doanh nghiệp này khỏi phá sản nếu không muốn một cuộc đổ vỡ trong ngành diễn ra. Thế nhưng Trung Quốc đã để mặc cho nhà sáng lập Hui Ka Yan của Evergrande vỡ nợ, khiến tổng tài sản bốc hơi từ 42 tỷ USD xuống chỉ còn 3 tỷ USD chỉ trong 2 năm.

Thậm chí vào đỉnh điểm năm 2021, công cuộc chấn chỉnh của Trung Quốc đã làm bốc hơi 3 nghìn tỷ USD vốn hóa của các doanh nghiệp nước này trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Cú vạ miệng trị giá 877 tỷ USD của Jack Ma: Bài học nhớ đời cho những tỷ phú coi mình là ‘bất khả xâm phạm’ - 3

Cuối cùng vào đầu năm nay, các quan chức Trung Quốc mới tuyên bố công cuộc chấn chỉnh với 14 doanh nghiệp Internet về cơ bản đã xong, cho thấy dấu hiệu các tập đoàn đã bắt đầu có thể làm ăn bình thường để thúc đẩy kinh tế trở lại.

Chỉ vài tháng sau đó, Jack Ma lại xuất hiện trước công chúng ở Trung Quốc đại lục.

Bất chấp điều đó, giá cổ phiếu của Alibaba thì đã mất hơn 70% giá trị so với mức đỉnh tháng 10/2020, tương đương hơn 645 tỷ USD vốn hóa đã bốc hơi khỏi thị trường.

Rõ ràng tại Trung Quốc, bất kể tỷ phú giàu tới cỡ nào, doanh nghiệp của họ có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế ra sao thì người nắm giữ cuộc chơi luôn là các nhà hoạch định chính sách chứ không phải doanh nhân.

Theo Băng Băng (Nhịp sống Thị trường)