7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung

27/08/2021 07:35:48

Nếu bạn không có kế hoạch tài chính tốt ở ngưỡng cửa 40, rất có thể bạn phải ngồi khóc ở tuổi 50.

 

Phụ nữ Nhật Bản có một cách thức quản lý tài chính rất hiệu quả, đó là chia nhỏ thu nhập thành các khoản tiền để bỏ vào những chiếc phong bì khác nhau.

Bên ngoài mỗi phong bì ghi rõ mục đích sử dụng của khoản tiền này. Càng có kế hoạch tài chính chi tiết, có tầm nhìn dài hạn, chất lượng cuộc sống càng được tăng lên.

Không phải ngẫu nhiên mà vai trò của người phụ nữ Việt trong việc quản lý tài chính gia đình rất cao. Quan niệm Á Đông truyền thống "của chồng, công vợ", "chồng là cái giỏ, vợ là cái hom" đã đặt gánh nặng chi tiêu cho các bà nội trợ, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để họ thể hiện vị thế và quyền lực của mình trong gia đình.

7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung

Ở ngưỡng tuổi 40, tiếng nói của người vợ người mẹ trong nhà thêm phần trọng lượng. Một phần nằm ở cách họ thu vén chi tiêu để đảm bảo cuộc sống an ổn cho bản thân và chồng con.

Nhiều người hiểu lầm rằng, quản lý tài chính cũng cần năng khiếu và tính cách bẩm sinh. Tuy nhiên, tất cả chỉ là kỹ năng. Phụ nữ U40 càng phải thuần thục những kỹ năng này, mà việc đầu tiên cần làm là chuẩn bị những chiếc phong bì.

Dưới đây là 7 chiếc phong bì mà một bà nội trợ ở ngưỡng tuổi 40 cần phải có cho gia đình mình.

Phong bì 1: Tiền chợ

Tiền đi chợ là chiếc phong bì được động tới nhiều nhất trong tháng, với những khoản chi lặt vặt nhất và dễ mất kiểm soát nhất. Thói quen ăn uống, sinh hoạt tự do của người thành thị khiến nhiều bà nội trợ đau đầu với tiền chợ khi thường xuyên phải rút ruột các khoản khác để bù vào.

7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung - 1

Với chiếc phong bì tiền chợ, người phụ nữ không chỉ quản lý được mức phí sinh hoạt, mà còn điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt của cả nhà để có chất lượng sức khỏe tốt hơn. Như cân đối lại khẩu phần ăn, ăn ít thịt lại, bớt ra ngoài ăn hàng, tiết kiệm điện nước, sử dụng giấy vệ sinh, nước giặt hợp lý…

Phong bì 2: Quỹ giáo dục

Tại sao phải có một chiếc phong bì dành cho giáo dục khi tiền học của con cái đã đóng vào đầu tháng? Là vì bạn luôn cần một nguồn tiền sẵn có để phục vụ nhu cầu học tập của con ở tương lai.

7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung - 2

Ngoài chuyện học chính khóa, học sinh ngày nay học thêm rất nhiều. Vậy tiền học thêm lấy ở đâu? Chính là từ chiếc phong bì này. Chỉ cần nhìn vào bên trong phong bì là bạn biết mình đã đầu tư bao nhiêu, đã hiệu quả hay chưa và cần cắt giảm lịch học thêm nào của con.

Bên cạnh đó, con cái của phụ nữ U40 đa số là học sinh cấp 2 trở lên, nhu cầu học tập ngoại ngữ, năng khiếu, kỹ năng tăng cao. Chưa kể việc gia tăng chi phí do ôn thi chuyển cấp, ôn thi du học… Đó là những khoản tiền mà nếu "nước đến chân mới nhảy" sẽ trở thành áp lực tâm lý cho cả bố mẹ lẫn con cái.

Phong bì 3: Quỹ y tế

Ngoài chiếc thẻ bảo hiểm y tế tuyệt đối phải mua, phụ nữ U40 cần thêm chiếc phong bì y tế dự phòng. Ở tuổi trung niên, bạn sẽ không bao giờ biết khi nào mình đau ốm.

Bạn cũng cần tiền để đưa cả gia đình đi khám sức khỏe tổng thể định kỳ 1-2 lần/năm. Chưa tính cha mẹ đôi bên đã già và bạn nhất định có nhiệm vụ phải chăm sóc, chi trả viện phí, thăm khám…

7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung - 3

Ngoài ra, bọn trẻ cũng cần được chăm sóc nha khoa tốt mà chi phí điều trị nha khoa thường không có trong danh mục được bảo hiểm, lại không rẻ chút nào. Việc bỏ tiền vào quỹ này hàng tháng giúp bạn yên tâm mỗi khi "nhà có việc".

Phong bì 4: Quỹ giải trí

Bạn không thể quanh năm ngày tháng cắm mặt vào công việc, bếp núc, con cái. Gia đình cần một chuyến du lịch xa cùng nhau ít nhất một lần trong năm, cần những ngày cuối tuần thảnh thơi đi xem phim, shopping, cà phê, nghe nhạc…

Tiền trong chiếc phong bì giải trí giúp các bà nội trợ cân bằng cuộc sống tinh thần của cả nhà, đồng thời kìm hãm "nhu cầu ăn chơi", tiêu pha không đúng mục đích.

7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung - 4

Phong bì 5: Quỹ làm đẹp

Hoàn toàn không phù phiếm. Bởi phụ nữ muốn sống hạnh phúc thì không chỉ sống cho chồng con mà còn phải sống cho mình.

Sức khỏe thể chất là điều mà phụ nữ U40 nhất định phải quan tâm. Làn da bắt đầu lão hóa nhanh chóng, cơ bắp chảy xệ, xương khớp lỏng lẻo… Nếu phụ nữ không chăm sóc bản thân tốt thì sẽ không đủ khả năng lo cho gia đình.

7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung - 5

Đó là lý do bạn cần một phong bì chứa tiền chi cho sản phẩm skincare, thỏi son, khóa học yoga, thiền và đôi ba bộ váy áo đẹp. Nếu có điều kiện tài chính hơn nữa, bạn cần chi thêm cho thực phẩm chức năng, spa hay làm phong phú thêm bộ sưu tập skincare.

Phong bì 6: Quỹ ngoại giao

Khoản tiền cho việc hiếu hỉ này sẽ ngày càng tăng lên khi bạn bước vào ngưỡng 40. Giai đoạn cưới xin của bạn bè, đồng nghiệp đã qua chục năm trước giờ trở lại với con cái của bạn bè, đồng nghiệp.

Cùng với đó, bạn sẽ phải gánh trách nhiệm đối nội đối ngoại của bố mẹ già, lo các việc trong họ hàng, từ ma chay giỗ chạp tới cưới xin, sinh nở...

Khoản chi tiêu này không nhỏ chút nào và thường xuyên có phát sinh bất ngờ, đòi hỏi bạn phải luôn có tài chính dự phòng.

Phong bì 7: Bảo hiểm nhân thọ

Mua bảo hiểm nhân thọ không phải thói quen của đa số người Việt. Với tâm lý tuổi già nương nhờ con cháu, nhiều người già đã phải rơi vào cuộc sống bế tắc ở tuổi lẽ ra họ cần được thảnh thơi, an nhàn.

Bảo hiểm nhân thọ chính là chiếc phong bì của tương lai. Nó đảm bảo cho các rủi ro về bệnh tật, tai nạn, thậm chí tử mệnh. Đồng thời, nó cũng đảm bảo cho tuổi già của bạn không bị phụ thuộc.

7 chiếc phong bì mà các bà nội trợ U40 nhất định phải có để 'trời sập' thì vẫn ung dung - 6

Với những gia đình kết hôn muộn, sinh con muộn, bảo hiểm nhân thọ cũng giúp giải quyết được bài toán về giáo dục đối với con cái ở tuổi trưởng thành khi bản thân đã quá tuổi lao động sung sức, thậm chí về hưu.

40 là lứa tuổi không quá muộn cũng không quá sớm để mua bảo hiểm nhân thọ. Đây là giai đoạn phần lớn các gia đình đã có bắt đầu có tích lũy. Tuy nhiên, nếu để muộn hơn, chi phí bảo hiểm càng cao và lợi ích mà bạn nhận được lại ít đi.

Đến đây, nhiều bà nội trợ sẽ đặt câu hỏi: Vậy tiền tiết kiệm đâu? Xin thưa, tiền tiết kiệm là phần tiền bạn cần bỏ ra ngay từ đầu tháng. Hãy bỏ một khoản tiền đều đặn vào sổ tiết kiệm, và số tiền còn dư lại mới đem chia ra 7 chiếc phong bì nói trên. Đó cũng là cách để bạn tiết kiệm hiệu quả, giới hạn chi tiêu, thay vì cuối tháng dư tiền mới mang vào ngân hàng gửi!

Theo TP (Nhịp Sống Việt)

Nổi bật