Sabeco làm ăn ra sao trong giai đoạn bị nghi nộp thiếu thuế?

04/01/2019 08:22:56

Trong giai đoạn 2007-2015, hoạt động kinh doanh của Sabeco tăng trưởng nhanh đi kèm là số tiền nộp thuế tiêu thụ đặc biệt cũng lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn - Sabeco đang vướng vào lùm xùm bị cơ quan chức năng cưỡng chế hàng nghìn tỷ đồng giai đoạn 2007-2015.

Đây chính là số thuế công ty này bị truy thu và phạt vi phạm trong giai đoạn 2007-2015 đã bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra trong quá trình thanh tra từ năm 2010 đến 2014. Trong đó, số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) chậm nộp là hơn 2.645 tỷ đồng và tiền phạt vi phạm hành chính là hơn 494 tỷ đồng.

Sabeco làm ăn ra sao trong giai đoạn 2007-2015?

Dù hiện tại đã được người Thái tiếp quản, ở giai đoạn mà Thanh tra Chính phủ kết luận nộp thiếu hàng nghìn tỷ tiền thuế, đa số vốn và lợi ích tại Sabeco vẫn nằm trong tay Bộ Công Thương.

Trong đó, 2007 là năm Sabeco bắt đầu cổ phần hóa và cổ đông Nhà nước vẫn nắm xấp xỉ 90% vốn doanh nghiệp này.

Đây cũng là giai đoạn Sabeco ghi nhận những bước tăng trưởng vượt bậc. Từ một doanh nghiệp đồ uống với doanh thu 8.000 tỷ đồng, sau gần 10 năm, con số này đã tăng gấp 3,5 lần, đạt trên 30.000 tỷ đồng.

Sabeco làm ăn ra sao trong giai đoạn bị nghi nộp thiếu thuế?
Nhãn

Sabeco đang vướng vào lùm xùm nộp thiếu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế TTĐB giai đoạn 2007-2015. Ảnh: Reuter.
Cụ thể, trong năm Sabeco tiến hành cổ phần hóa, doanh nghiệp này đã tiêu thụ tổng cộng trên 655 triệu lít bia đóng góp chính vào khoản doanh thu 8.472 tỷ đồng cùng năm. Cũng trong năm này, con số lợi nhuận trước thuế công ty thu về đạt trên 1.012 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2006 trước đó.

Những năm tiếp theo, nhờ việc mở rộng thị trường và sản lượng tiêu thụ bia tăng mạnh, doanh thu của Sabeco liên tục tăng qua các năm, vượt mốc 15.000 tỷ đồng vào năm 2009, rồi trên 20.000 tỷ đồng năm 2010 và chính thức chạm ngưỡng 30.000 tỷ đồng vào năm 2014.

Tính trong giai đoạn này, doanh thu của Sabeco đã tăng gấp 3,5 lần. Trong khi đó, lợi nhuận công ty thu về cùng thời điểm cũng tăng gấp 4 lần, từ 1.011 tỷ đồng vào năm 2007, lên 4.470 tỷ đồng vào năm 2015.

Đây cũng là giai đoạn có nhiều thay đổi trong chính sách thuế TTĐB ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả kinh doanh từng năm của Sabeco.

Sabeco đã nộp bao nhiêu tiền thuế TTĐB giai đoạn này?

Với sản phẩm chính là đồ uống có cồn, từ hơn 10 năm trước, Sabeco đã phải nộp vài nghìn tỷ tiền thuế TTĐB mỗi năm.

Cụ thể, giai đoạn 2004-2006, khi doanh thu công ty mới đạt 4.500-5.700 tỷ đồng, số tiền doanh nghiệp này nộp ngân sách Nhà nước đã xấp xỉ 2.000 tỷ đồng/năm, trên 60% trong đó là thuế TTĐB.

Trong giai đoạn 2007-2015, tiền thực hiện nghĩa vụ thuế TTĐB của doanh nghiệp này thậm chí còn lớn hơn số lợi nhuận công ty thu về mỗi năm, chiếm xấp xỉ 15-20% tổng doanh thu hợp nhất hàng năm.

Năm 2008, do trình bày lại báo cáo tài chính, từ tháng 5 đến hết 12/2018, số tiền thuế TTĐB Sabeco đã nộp là 1.898 tỷ đồng. Những năm sau đó, số tiền nộp thuế này liên tục tăng lên cùng doanh thu và sản lượng rượu, bia tiêu thụ được.

Sabeco làm ăn ra sao trong giai đoạn bị nghi nộp thiếu thuế? - 1

Chỉ có năm 2010 khi doanh thu công ty tăng 25% so với năm trước thì tiền thuế TTĐB công ty nộp lại giảm đi 19%. Nguyên nhân đến từ việc thay đổi chính sách thuế TTĐB ở giai đoạn này.

Theo đó, trước 2010, thuế TTĐB với bia được áp dụng với 2 loại khác nhau bao gồm bia chai, bia hép (sản phẩm chủ lực của Sabeco) chịu thuế suất lên tới 75%. Trong khi các sản phẩn bia hơi, bia tươi chỉ chịu thuế 40%. Nhưng từ năm 2010, Luật thuế TTĐB năm 2008 quy định mức thuế áp với bia sẽ gộp chung lại ở mức 45%, và từ năm 2013 sẽ là 50%.

Vì được giảm lượng lớn thuế với các sản phẩm bia chai, bia hép vào năm này nên doanh thu tăng mạnh nhưng thuế TTĐB nộp ngân sách vẫn giảm đi.

Những năm sau đó, cùng với lộ trình tăng thuế TTĐB, khoản tiền thuế này liên tục tăng lên. Khi doanh thu Sabeco cán mốc 30.000 tỷ đồng vào năm 2014 thì số tiền thuế TTĐB doanh nghiệp này đóng cũng lên tới gần 5.000 tỷ đồng.

Tổng cộng, từ năm 2008 đến 2014, Sabeco thu về hơn 150.000 tỷ đồng doanh thu thì cũng đã phải nộp tới hơn 23.000 tỷ đồng tiền thuế TTĐB.

Bị truy thu gần 4.800 tỷ đồng do thay đổi giá tính thuế TTĐB

Cũng liên quan tới các khoản thuế TTĐB giai đoạn 2007-2015, báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2016 của Sabeco cho biết công ty đã nhận được các văn bản từ Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước và Cục thuế TP.HCM về kiểm tra thuế. Theo đó, số thuế TTĐB công ty phải nộp tăng thêm do thay đổi giá tính thuế từ Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang công ty cổ phần thương mại khu vực của công ty con, công ty liên kết và tổng công ty lên tới 4.769 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo Công văn của Bộ Tài chính về việc nộp thuế TTĐB theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, Sabeco có trách nhiệm nộp toàn bố số thuế TTĐB truy thu này vào NSNN.

Vì vậy, Ban tổng giám đốc công ty đã phải trình bày lại một số khoản mục trên báo cáo tài chính năm 2015.

Cụ thể, trích chi phí thuế TTĐB phải nộp bổ sung từ 2004-2015 là 2.342 tỷ đồng do số thuế TTĐB truy thu từ 2013 đến 2015 là 728 tỷ đồng đã được ghi nhận và nộp vào NSNN. Sabeco cũng trích lập dự phòng số thuế TTĐB phải nộp cho công ty con và công ty liên kết giai đoạn 2013-2015 với số tiền 1.699 tỷ đồng trong năm 2015.

Để cân đối lại khoản thuế TTĐB nộp này, Sabeco đã điều chỉnh hồi tố ghi tăng chi phí quản lý doanh nghiệp 30 tỷ đồng; giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 2.311 tỷ đồng và ghi tăng khoản phải nộp Nhà nước với tổng số tiền này tại báo cáo năm 2015.

Trong khi đó, với số tiền 3.140 tỷ đồng đang bị cơ quan chức năng cưỡng chế, mới đây, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, UBND TP. HCM chỉ đạo Cục thuế TP.HCM chưa cưỡng chế với Sabeco vì sự việc đang trong quá trình các cơ quan xem xét, xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ.

Lãnh đạo Cục thuế TP.HCM cũng cho biết đã dừng phong tỏa các tài khoản của Sabeco để chờ quyết định cuối cùng.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)