“Tang bồng” vốn là cách nói tắt của “Tang hồ bồng thỉ”. “Tang” là dâu, “hồ” là cung, “tang hồ” là cung bằng gỗ cây dâu. “Bồng” là “cỏ bồng”, “thỉ” là “tên”, “hồ thỉ” là tên bằng cỏ bồng. Tang hồ bồng thỉ nghĩa là cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tuy nhiên, nghĩa của những ngữ liệu trên không phải để chỉ một loại đồ vật/vũ khí là cung tên.
Ý nghĩa của “tang bồng” bắt nguồn từ một truyền thống văn hóa của người Trung Hoa thời cổ. Ngày xưa, khi sinh được con trai, người ta lấy cung làm từ cành dâu có mũi tên làm từ cỏ bồng, bắn ra sáu phát: 4 phát cho các hướng Đông, tây, nam, bắc, một phát lên lên trời và một phát xuống đất. Ngụ ý của việc làm này là mong ước cho người con trai sau này trưởng thành sẽ mang chí lớn “hai vai gánh vác sơn hà”, tung hoành dọc ngang giữa trời đất, làm được việc lớn để giúp đời. Với nghĩa ấy, “tang bồng” thường kết hợp với các từ như “Chí tang bồng”, “nợ tang bồng”.
Thành ngữ “thoả chí tang bồng” hay là “phỉ chí tang bồng” dùng để chỉ sự thoả mãn, tự do trong hành động nhằm thực hiện chí lớn, không chịu bất kỳ một sự gò bó, ràng buộc nào.
Từ đó, “tang bồng” được dùng để chỉ mộng công danh, chí làm trai và rộng ra là ước vọng cống hiến cho dân tộc, xã hội, cộng đồng. Cho nên, trong văn học trung đại Việt Nam, ngữ liệu này được dùng rất nhiều trong dòng thơ tỏ lòng, nói chí, thuật hoài.
TH (SHTT)