Với điều kiện sống đặc biệt, nhiều loài chim phải luôn di chuyển theo mùa để tìm thức ăn, nơi sinh sản và điều kiện khí hậu thích hợp. Chúng có thể bay liên tục trong hàng tháng trời mà không cần hạ cánh, bay xa đến hàng chục ngàn hay thậm chí là cả trăm ngàn km một năm. Chúng băng qua đồng bằng, qua những cánh rừng, những rặng núi ngút ngàn. Chúng vượt cả đại dương và vòng quanh trái đất. Cuộc đời của chúng gắn liền với những chuyến hành trình bất tận. Chúng sinh ra và chết đi trên mặt đất nhưng lại sống cả cuộc đời ở trên không!
Vào cuối mùa hè, nhiều giống chim ở nhiều miền trên thế giới đã rời bỏ “nhà” để bay về phương nam trú đông (lúc đó, ở Nam bán cầu là mùa hè). Đôi khi, thay vì về phương nam chúng bay sang một lục địa khác cách đó cả mấy ngàn cây số. Mùa xuân sau đám chim này trở lại, nhưng không quay về cái xứ sở từ đó chúng đã ra đi. Bằng cách nào chúng tìm ra đường đi và về?
Người ta đã làm nhiều thí nghiệm để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Một trong những thí nghiệm ấy là một số cò được bắt đi khỏi tổ và đem đến một nơi khác trước cuộc trú đông khởi diễn vào mùa thu. Từ chỗ ở mới này người ta dự đoán chúng sẽ tìm ra một hướng mới để đi đến nơi sinh sống trong lúc trú đông. Nhưng, đến thời điểm phải đi, chúng vẫn theo đúng hướng mà chúng phải theo như khi chúng ở nơi cũ. Dường như có một năng hướng bẩm sinh đã khiến chúng biết phải bay về hướng nào khi mùa đông sắp tới gần.
Khả năng tìm ra đường trở về nhà của loài chim thật đáng cho ta ngạc nhiên. Bị chở trên máy bay để tới một nơi cách chỗ chúng ở ít nhất cũng khoảng 650km, thế mà khi được thả ra, chúng vẫn quay về đúng chỗ đã xuất phát. Nói rằng chúng có năng hướng tự nhiên biết tìm đường trở về, nói như vậy chẳng giải thích được hết những bí ẩn, vẫn chưa trả lời vào trọng tâm câu hỏi: “Bằng cách nào chúng tìm ra được đường về?” Ta biết rằng những con chim non chưa hề biết đường đi, vì khi đến nơi trú đông chúng mới ra đời. Vả lại, khi bay trở về thì thường là bay vào ban đêm, không nhìn thấy tiêu điểm trên mặt đất. Có loài chim còn bay qua biển. Trên là trời, dưới là biển, không có một tiêu điểm nào hết.
Một lý thuyết khác cho rằng loài chim có khả năng cảm ứng với từ trường bao quanh trái đất. Những từ tuyến chạy từ cực bắc tới cực nam. Có lẽ bầy chim đó theo các từ tuyến này. Nhưng thuyết này không đưa ra được bằng chứng cụ thể có khả năng thuyết phục. Nói trắng ra là cho đến hiện nay khoa học vẫn chưa đưa ra được lời giải thích đầy đủ về sự kiện bằng cách nào loài chim tìm được đúng hướng để bay đến nơi trú đông và rồi từ đó bay trở về một cách đúng hướng!
Có nhiều chuyện thú vị liên quan đến sự di trú của loài chim. Khi Columbus đến gần bờ biển lục địa châu Mỹ, ông thấy một bầy chim bay về theo hướng đông nam. Điều này có nghĩa là vị trí của ông lúc đó cách lục địa không xa. Thế là ông đổi hướng theo hướng chim bay. Nhờ đó ông đã tới đảo ngày nay gọi là Bahamas thay vì tới mũi Florida.
TH (Nguoiduatin.vn)