Các loại máy bay hiện đại, dù là quân sự hay dân dụng, máy bay lớn hay nhỏ, đều phải có đồng thời hai yếu tố mới có thể bay được. Hai yếu tố đó, một là cánh, hai là máy đẩy. Cánh máy bay dùng để sản sinh ra lực nâng, khiến cho máy bay lơ lửng trên không; còn máy đẩy, thì dùng để sản sinh ra lực kéo và lực đẩy, đẩy máy bay về phía trước. Nếu không có máy đẩy mà chỉ có cánh thì sẽ thành tàu lượn. Tàu lượn chỉ có thể dựa vào một lực khác để đẩy lên trời, tự nó không thể bay lên. Do đó có thể thấy, cánh máy bay chỉ có tác dụng duy trì trong khi bay, chứ không có khả năng đẩy máy bay bay đi.
Nhưng cánh của loài chim thì khác. Loài chim không có bộ phận đẩy. Trên mình chúng không có động cơ pittông làm quay cánh quạt, cũng không có động cơ phản lực phụt ra khí cháy để đẩy chúng tiến lên. Động cơ của loài chim chính là bản thân nó, còn đẩy nó tiến lên lại dựa vào đôi cánh. Do đó, cánh của loài chim đồng thời phải hoàn thành hai nhiệm vụ: một là sản sinh lực nâng để treo mình trên không, hai là sản sinh ra lực đẩy để tự mình tiến lên. Chỉ có vỗ cánh chim mới có thể đồng thời sản sinh ra lực nâng và lực đẩy. Vì vậy cánh của máy bay có thể cố định bất động, nhưng cánh của chim thì phải đập lên đập xuống.
Vậy có thể làm cho cánh của máy bay cũng đập lên đập xuống được không? Đây là một ước mơ mà nhân loại từ xưa đến nay đều có ý đồ thực hiện mà chưa thể thực hiện được. Nghiên cứu về động lực học không khí cho ta biết, dùng phương thức vỗ cánh để bay thì tốn ít sức hơn, nếu ta sửa đổi loại máy bay bay bằng cánh cố định thành cánh máy bay bay bằng cách vỗ cánh thì sẽ tiết kiệm rất nhiều công suất cần thiết cho máy bay. Nhưng do nguyên lý và hiện tượng bay vỗ cánh khá phức tạp, hiện nay con người còn chưa hoàn toàn nắm vững quy luật về phương diện này, do đó còn chưa đưa vào sử dụng máy bay vỗ cánh.
TH (Nguoiduatin.vn)