Thực phẩm đắt đỏ, nhiều người chọn nấu nướng đơn giản, "chia tay" những món yêu thích để thích nghi với tình hình.
Chị Nguyễn An (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, trong những ngày qua, việc chi tiêu cho bữa ăn gia đình đã trở thành một bài toán khó khăn.
“Vợ chồng tôi thu nhập thấp, còn nhiều khoản phải chi tiêu lại thêm nợ tiền ngân hàng nên mọi thứ đều phải tiết kiệm. Trước tôi đã tiết kiệm việc ăn uống lắm rồi, không mua tràn lan.
Giờ thực phẩm tăng giá hơn, tôi càng phải tiết kiệm, tăng rau, giảm thịt. Tôi chỉ dám mua khoảng 100 nghìn đồng thịt xay về ăn mấy bữa, chủ yếu làm nem, rang hay rán với trứng.
Ngoài ra, tôi làm thêm một món rau, canh nữa. Nếu chồng con ăn nhiều, tôi tăng lượng chứ không bày thêm món", chị An cho biết.
Kinh tế khó khăn, với nhiều hộ gia đình mua nhà trả góp hoặc đi thuê trọ, chi phí cho việc ăn uống chỉ gói gọn vài triệu đồng mỗi tháng. Bữa cơm cũng không thể đầy đủ các món rau, thịt, cá, tôm...
Thay vào đó, họ chỉ ăn một bát canh và một món mặn, đôi khi đơn giản là món đậu sốt hoặc trứng rán. Thịt bò, cá biển thi thoảng mới xuất hiện trong bữa cơm, chủ yếu là vào ngày cuối tuần.
Với gia đình chị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội), đậu xốt, trứng rán hay đĩa chả lá lốt là món chủ đạo trong các bữa ăn.
"Đậu xốt, trứng rán hay cá chỉ vàng rán với đĩa rau luộc là bữa cơm cơ bản của gia đình tôi trong tháng. Tôi thấy thế là đủ dinh dưỡng.
Có khi mua một chút thịt xay về, tôi có thể cho vào xào với rau muống, rán cùng 3 quả trứng thành món trứng đúc thịt. Nước luộc rau muống cho sấu vào là thành món canh ngon.
Hoặc tôi dùng thịt xay nấu với sấu thành bát canh chua. Chỗ thịt còn lại cho vào làm chả. Con cái và ông xã tôi đều hào hứng với mâm cơm như vậy”, chị nói và cho biết bữa ăn như thế chỉ mất khoảng 60 nghìn đồng.
Dù chỉ là những món ăn đơn giản, dễ chế biến nhưng mâm cơm nhà chị Hạnh vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mọi người.
Dịp quan trọng, chị sẽ mua món "sang" một chút về cả nhà cùng ăn, hạn chế đi nhà hàng đắt đỏ. Bấy lâu nay, nhà chị Hạnh vẫn giữ nếp sống như vậy, mọi người đều hào hứng trước bữa ăn.
Tận dụng đồ mẹ gửi từ quê
Khi nói 1kg sườn ăn được 4 ngày, nhiều người không tin nhưng chị Phạm Lan (Nguyễn Tuân, Hà Nội) khẳng định đó là sự thật. Tất nhiên, không phải bữa cơm nào gia đình chị cũng chỉ ăn một món sườn.
Chị chia sẻ: “Tôi ra chợ mua 1kg sườn về, rửa sạch, ninh thật kĩ rồi chia bữa, cho vào hộp cất trong tủ lạnh. Hộp nào định ăn ngay hôm sau thì để ngăn mát, hộp nào để lâu thì bỏ ngăn đá.
Nhà tôi chỉ có 4 người, vợ chồng tôi và 2 đứa con nhỏ nên mỗi bữa, ngoài món mặn, tôi múc ra khoảng 2-3 muôi nước sườn kèm 4-5 miếng xương để nấu canh.
Tôi thêm nửa củ su hào, nửa củ cà rốt và một củ khoai tây là được bát canh hầm xương rất ngon. Các con tôi rất thích món canh này vì chúng vừa có thể chan vừa có thể cắt thịt bỏ vào bát cho dễ ăn”.
Cách làm của chị Lan được nhiều người khen ngợi. Nhiều chị em cho biết trẻ con không thích ăn rau, không ăn nhiều thịt thì ăn canh có nước xương là khá hợp lý và tiết kiệm. Gia đình 4 người chỉ cần bát canh nhỏ là đủ bữa.
Chị Thùy (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi khá cầu kì trong bữa ăn, luôn đảm bảo đa dạng cho các con nhưng lượng ăn của cả nhà không nhiều nên tôi luôn phải cân đối cho chuẩn, không để thừa đồ ăn đến hôm sau.
Nhà tôi có 4 người đều thích ăn rau nên mỗi bữa sẽ có một bát canh, một món mặn, có thể thêm một đĩa salad rau củ”.
Để tiết kiệm chi phí, chị Thùy thường nhờ mẹ gửi đồ ở quê lên cho tiết kiệm: “Thịt ở quê rẻ hơn, cá cũng rẻ, gà nhà bà nuôi được nên thỉnh thoảng mẹ lại gửi cho con cháu vài chục quả trứng. Rau ở quê mẹ gửi ra 2 tuần một lần.
Tôi tận dụng đồ quê nên chi phí cho bữa ăn ở Hà Nội không quá đắt lại cảm thấy yên tâm về an toàn thực phẩm”.
Sự thay đổi trong khẩu phần ăn không chỉ là một giải pháp tình thế mà còn là một xu hướng giúp các gia đình tiết kiệm chi phí.
"Mặc dù kinh tế nhà tôi không quá khó khăn, nhưng tôi nghĩ đây là cách để cả gia đình có thể ăn đủ, không lãng phí lại đảm bảo an toàn.
Nhiều người hay nấu nhiều, không ăn hết lại tiếc, để sang hôm sau ăn tiếp. Như vậy vừa không đảm bảo dinh dưỡng vừa không an toàn", chị Thùy nói.
Việc giảm các món ăn đắt tiền, thay bằng các món ăn vừa ngon vừa rẻ như đậu, trứng hay rau củ đã trở thành cách duy trì bữa cơm của nhiều gia đình mà không gây quá tải cho ngân sách.
Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Tú Linh (VietNamNet)