Chúng ta đều biết rằng để tiết kiệm tiền, hoặc nói rộng hơn là sở hữu được tài sản và có một khoản phòng thân thì không được chi tiêu hoang phí. Nhưng phải làm sao để tối ưu chi tiêu thì không phải ai cũng biết. Lắng nghe chia sẻ của gia đình dưới đây có thể phần nào giúp bạn giải đáp được thắc mắc trên của mình.
Vợ chồng tiết kiệm được hơn 30 triệu/tháng
Cách đây không lâu, trong một hội nhóm trên mạng xã hội, một người vợ đã chia sẻ về kế hoạch chi tiêu của gia đình với tổng thu nhập khoảng 65 triệu/tháng. Gia đình họ gồm 4 người là chồng 36 tuổi, vợ 34 tuổi, 1 con đang học lớp 5 và 1 con đang học mầm non. Với tổng thu nhập hiện có, họ dành khoảng 28,8 triệu cho chi phí sinh hoạt, 25,2 triệu cho đầu tư, còn lại là để tiết kiệm.
Hiện cặp đôi đã mua được một căn hộ và mới mua thêm ô tô vào đầu năm. Bên cạnh những tài sản này, họ còn đang có gần 500 triệu sinh lời từ đầu tư, 270 triệu đang cho người thân vay và một tài khoản tiết kiệm online 80 triệu.
Dưới đây là cách cặp đôi chi tiêu sinh hoạt với 28,8 triệu/tháng - tức chưa đến một nửa tổng thu nhập.
Cô vợ chia sẻ thêm về cách vợ chồng có thể tiết kiệm khéo léo chi phí sinh hoạt: "Tính vợ chồng mình khá đơn giản trong sinh hoạt ăn uống và con còn nhỏ nên cũng ít đi đâu, có chăng thỉnh thoảng về quê. Đồ ăn thì có thể lâu lâu là ông bà 2 bên gửi cho ít rau gạo. Chỗ này thì có dịp mình lại biếu lại ông bà".
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đã dành lời khen cho cách chi tiêu tiết kiệm của gia đình này. Bên cạnh đó, một số khác còn chỉ ra những khoản chi chưa hợp lý, có thể giảm bớt nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng sống.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- "Em nghĩ phần ăn trưa, đi lại của chồng chị vén được thêm. Với lại chị có 2 triệu mua sắm rồi thì phần phát sinh khác kia vén đi chị".
- "Nhìn chị vén khéo ghê. Vợ chồng em chưa có con cái mà tháng bay hết 15-20 triệu".
- "Nhìn anh chị giỏi và khéo quá. Em không biết tương lai có bằng được 1 góc vậy không".
- "Nhìn khoản mua sắm 2 triệu của chị mà em chỉ biết ước, ước mình biết tém lại. Thấy bảng chi tiêu của nhà chị mà làm em có động lực vén khéo quá".
- "Làm 15 triệu, tiêu 51 triệu xem xong thì chỉ biết ước".
Nếu muốn tiết kiệm, cần bỏ ngay những thói quen chi tiêu này
Nhiều người kiếm được tiền nhưng không hiểu vì sao cuối tháng nhìn lại thì thấy mình trắng ví. Một trong những lý do phổ biến khiến bạn không có tiền tiết kiệm là do thói quen chi tiêu không tốt.
Những thói quen này tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng thực chất có thể khiến bạn nghèo đi. Nếu muốn làm giàu bằng cách tích luỹ tiền bạc từ đồng lương kiếm được, hãy cảnh giác nếu bạn đang mắc phải những thói quen xấu dưới đây:
- Chi tiêu không tính đến tiết kiệm
Nếu bạn mua sắm mà không nghĩ đến kế hoạch tiết kiệm và thu nhập của mình thì rất dễ dẫn đến tình trạng chưa hết tháng đã hết tiền. Thậm chí, bạn có thể phải đánh đổi thời gian và tiền lương của mình để mua về những thứ bản thân không thích, hoặc không có nhu cầu sử dụng.
Hãy phá bỏ thói quen này bằng cách bắt bản thân phải có một khoản tiết kiệm hàng tháng. Một trong những quy tắc phổ biến mà bạn có thể áp dụng là 50-30-20. Tức là sau khi trích 20% thu nhập cho tiết kiệm, bạn mới dành 50% thu nhập cho nhu cầu cá nhân và 30% thu nhập cho mong muốn.
- Mua vì được giảm giá
Nhiều người mua đồ chỉ vì chúng có mức giá thấp, khiến họ nảy sinh tâm lý không muốn bỏ lỡ, dù họ không thực sự cần chúng. Cách chi tiêu này là một cái bẫy, chỉ khiến bạn trả giá đắt. Với món đồ giảm giá vừa mua về, bạn chỉ có thể dùng vài buổi, thậm chí là vứt một góc ở xó nhà và không bao giờ động đến.
- Mua sắm theo ý thích
Bạn có phải là người vô thức mua sắm theo tâm trạng? Nếu có thì bạn phải từ bỏ chúng ngay. Tất cả chúng ta đều có những yếu tố khởi phát (cảm xúc khó khăn, căng thẳng, phấn khích vì lương về...) khi đi mua sắm. Thông thường, hoàn cảnh hoặc cảm xúc sẽ dẫn ta đến quyết định kém sáng suốt về tiền bạc, hình thành chi tiêu bốc đồng và gây lãng phí tiền bạc không cần thiết.
- Mua đi mua lại những thứ kém chất lượng
Nhiều người thích tiết kiệm bằng cách mua đồ rẻ, và nếu chúng hỏng thì thay bằng cái mới với mức giá tương tự. Tuy nhiên, đây không phải là cách chi tiêu thông thái khi mua sắm mặt hàng bạn dùng hàng ngày, đòi hỏi chất lượng tốt.
Thay vì liên tục bỏ ra tiền để thay thế hoặc sửa chữa những thứ kém chất lượng, bạn nên đầu tư nhiều hơn một chút cho những mặt hàng có chất lượng tốt, độ bền cao, tính ra thì chi phí cần bỏ ra rẻ hơn mà còn mang lại cảm giác thoải mái khi sử dụng.
Theo Nguyệt (Phụ Nữ Số)